Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Sai lầm y khoa: càng che giấu sự thật, càng nhiều người chết oan

Sai lầm y khoa: càng che giấu sự thật, càng nhiều người chết oan

SGTT.VN - Ngày 18.12 vừa qua, tại Quảng Ngãi đã diễn ra hội thảo “Tai biến sản khoa” để rút kinh nghiệm hàng loạt vụ tử vong khi sanh nở ở tỉnh này thời gian qua. Dù hội thảo do địa phương tổ chức, nhưng cũng có sự tham dự của bộ Y tế và nhiều chuyên gia cả nước.

Thế nhưng, kết quả nhận được sau hội thảo chỉ là những gì chung chung, không hứa hẹn những thay đổi gốc rễ để giảm thiểu sai lầm y khoa (SLYK) , một trong những thực trạng của nền y tế Việt Nam hiện nay.

Sự thật bị che giấu

Tháng 11.1999, viện Y học Hoa Kỳ công bố báo cáo “Sai lầm là con người: xây dựng một hệ thống sức khoẻ an toàn hơn” (tạm dịch từ: “To err is human: Building a safer health system”). Báo cáo đã tạo ra một cơn chấn động vì lần đầu tiên ở quốc gia này có một khảo sát công phu về SLYK và còn chấn động hơn khi báo cáo cho thấy có khoảng 44.000 – 98.000 người tử vong hàng năm ở các bệnh viện vì SLYK, nhiều hơn cả số tử vong do tai nạn giao thông (43.458 người), ung thư vú (42.297) hay bệnh AIDS (16.516).

Ở Việt Nam, bộ Y tế chưa nghiên cứu và công bố bất kỳ số liệu nào về thực trạng SLYK, trong khi ở các bệnh viện nó lại chỉ được giải quyết tuỳ vào nhận thức của lãnh đạo đơn vị. Tuy không công bố chính thức, nhưng một khảo sát nhỏ ở Việt Nam về sự cố, rủi ro bệnh viện cũng đáng để suy nghĩ. Một khảo sát trên 687 bệnh viện cả nước cho thấy trong năm 2005 chỉ có 35 tai biến thủ thuật và trong năm 2006 còn 32 tai biến. Ngoạn mục hơn, năm 2005 ở các bệnh viện này chỉ có ba vụ nhầm lẫn thuốc, còn trong năm 2006 thì không có sự cố nào (!). Bác sĩ Phan Quý Nam, nguyên giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nói: “Hơn 600 bệnh viện, điều trị hàng triệu người mỗi năm mà không để xảy ra vụ phát nhầm thuốc nào thì thật lạ. Cốt lõi vấn đề ở đây là chỉ cần để xảy ra một sự cố thì mọi thành tích trong năm của bệnh viện sẽ bị phủ nhận. Điều này khiến cho các giám đốc bệnh viện phải nói láo. Vì không nói sự thật, nên không ai tìm ra được nguyên nhân. Không biết nguyên nhân, nên không ai ngăn ngừa được và năm này qua năm khác sự cố cứ xảy ra cho bệnh nhân”.

Áp lực che giấu sự thật được thể hiện rõ trong vụ tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi. Đầu tháng 6 năm nay, sau khi trả lời phỏng vấn một tờ báo về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sự cố ở đây (như nhân viên y tế không được huấn luyện tốt; thu nhập thấp khiến nhân viên y tế không toàn tâm, toàn ý; thiếu trang thiết bị) một cán bộ y tế của một bệnh viện lớn đã bị bộ Y tế phê bình nặng nề. Cần nói thêm, sau thời điểm này, ở Quảng Ngãi tiếp tục xảy ra nhiều ca tai biến sản khoa và nguyên nhân cho đến nay cũng không khác gì ý kiến mà người cán bộ y tế nói trên đã chỉ ra. Phải chăng thái độ che giấu sự thật ở đây đã khiến cho nhiều bệnh nhân bị thiệt hại oan uổng?

Cần những nhận thức mới

Trong thực tế, bệnh viện được xem là môi trường đầy rẫy rủi ro và nguy cơ vì nhiều nguyên nhân khác nhau như quá tải bệnh nhân, thiếu nhân viên, trang thiết bị không đồng bộ, người thầy thuốc bị áp lực ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra còn có những nguyên nhân đặc thù y khoa như mỗi bệnh nhân có cơ địa và sức đề kháng khác nhau, kỹ năng nhân viên y tế không thể lặp lại như nhau trên mọi bệnh nhân, quá trình can thiệp điều trị luôn đi kèm hai mặt lợi và hại.

Vì những lý do trên, bệnh nhân không thể đòi hỏi bệnh viện triệt tiêu hoàn toàn mọi nguy cơ, rủi ro. Vấn đề ở đây là bệnh viện phải thiết lập được một hệ thống quản lý rủi ro để nhận diện được nguyên nhân, từ đó tìm cách giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cho bệnh nhân. Bác sĩ Phan Quý Nam nhận định: “Trước mọi sự cố xảy ra, lãnh đạo bệnh viện chịu trách nhiệm đến 80% vì không làm tốt vai trò quản lý hay giáo dục nhân viên, chỉ 20% trách nhiệm là thuộc về cá nhân”. TS.BS Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM, thì cho rằng trong quản lý bệnh viện cần loại bỏ “văn hoá buộc tội” (blaming culture) khi xem mọi tai biến xảy ra là do lỗi cá nhân chứ không phải do lỗi hệ thống. Ông nói: “Khi có tai biến, cách tiếp cận cũ của lãnh đạo bệnh viện là đặt câu hỏi “Ai làm sai?” và điều này sẽ tạo ra tâm lý che giấu, ngại báo cáo sai sót. Hậu quả là sai sót sẽ được lặp lại do bệnh viện không biết. Với nguyên lý tiếp cận hệ thống, khi phân tích nguyên hân tai biến, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là “Cái gì sai?” Cách tiếp cận này một mặt làm giảm đi sự e ngại khi báo cáo sai sót, đồng thời giúp bệnh viện chủ động phòng ngừa được sai sót lặp đi lặp lại”.

Bệnh nhân cũng cần thay đổi nhận thức. Ở các nước tiên tiến, khi vào bệnh viện mọi bệnh nhân đều được khuyến khích thực hiện những quyền lợi của mình như tăng cường hỏi bác sĩ, thắc mắc khi nhận được bất kỳ yêu cầu nào. Chưa kể, bệnh nhân còn có thể biết được thông tin về số vụ tai biến, sự cố mà bệnh viện đã mắc phải. Ở nước ta, mặc dù luôn đề cao “người bệnh làm trung tâm”, nhưng các bệnh viện thường ngại công khai thông tin hay số liệu vì sợ bệnh nhân đòi hỏi, quấy rầy. Một bác sĩ nói: “Nếu mọi bệnh nhân đều có hiểu biết hoặc biết thể hiện quyền của mình, số tai biến y khoa có thể giảm đến 20 – 30%”.

Nhưng thay đổi nhận thức nhiều nhất phải từ giới quản lý, từ việc cho phép các bệnh viện công bố sự thật các số liệu về tai biến y khoa và trao đổi thông tin lẫn nhau; đánh giá thành tích bệnh viện dựa trên việc cải thiện số liệu sự cố, rủi ro hàng năm chứ không dựa vào việc có hay không có chuyện này; cho đến thiết lập một hệ thống báo cáo sự cố y khoa tự nguyện, không mang tính áp đặt và buộc tội. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là thực hiện một khảo sát trên phạm vi cả nước về thực trạng tai biến y khoa, các sự cố và rủi ro trong bệnh viện để từ đó đề ra chiến lược giải quyết, giảm thiệt hại cho người bệnh. Năm năm sau báo cáo “Sai lầm là con người: xây dựng một hệ thống sức khoẻ an toàn hơn”, một nghiên cứu cho thấy nền y tế Mỹ đã cải thiện được khá nhiều dù tất cả chưa phải là màu hồng.

Bác sĩ Phan Quý Nam nói: “Cần phải tạc tượng người đã làm báo cáo vì qua đó người ta đã đề ra được giải pháp để cứu sống hàng chục ngàn người vô tội chết oan. Nhưng cũng phải nói thêm là điều này chỉ có được nhờ Tổng thống Mỹ khi đó cho phép tiến hành điều tra, báo cáo vì nhìn thấy những ích lợi thu được”.

Phan Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét