Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Tuyệt vọng vì bị “câu giờ” tiền bồi thường bảo hiểm

Tuyệt vọng vì bị “câu giờ” tiền bồi thường bảo hiểm

Chủ siêu thị lớn nhất thành phố Yên Bái đang “lập kế hoạch” đưa 50 nhân viên xuống Hà Nội để cùng đi đấu tranh với tổng công ty bảo hiểm Quân đội nhằm đòi khoản tiền bồi thường bảo hiểm đơn vị này lần lữa suốt 14 tháng qua không thanh toán.

Cháy nhà ra mặt… bảo hiểm

Hiện trường vụ cháy siêu thị Hoàn Mỹ, Yên Bái. Ảnh: Quế Hà

Vụ cháy siêu thị Hoàn Mỹ (phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái) lúc 3 giờ sáng ngày 27.9.2011 được xem là vụ cháy lớn nhất tỉnh Yên Bái với tổng thiệt hại lên tới 40 tỉ đồng. Trước đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Toàn và bà Hà Thuý Loan, chủ cửa hàng kinh doanh tổng hợp (siêu thị) Hoàn Mỹ đã tham gia mua bảo hiểm cháy nổ của công ty bảo hiểm MIC Tây Bắc cho trang thiết bị và hàng hoá tại siêu thị.

Giấy chứng nhận bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt số 1060/11/HD do ông Đào Xuân Hùng – phó giám đốc MIC Tây Bắc ký, ghi rõ: thời hạn bảo hiểm từ 7 giờ ngày 16.9.2011 đến 7 giờ ngày 16.9.2012, số tiền bảo hiểm là 23 tỉ đồng. Ngày 18.9.2011 MIC Tây Bắc đã phát hành hoá đơn VAT số 0026387 cho siêu thị Hoàn Mỹ, ghi nhận người mua bảo hiểm đã nộp đầy đủ phí bảo hiểm.

Vụ cháy xảy ra chỉ chín ngày sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Yên Bái đã tiến hành điều tra, và ngày 9.11.2012 đã thông báo kết luận điều tra (số 432/TB) nêu rõ vụ cháy tại siêu thị Hoàn Mỹ là do sự cố chập điện, không có dấu hiệu phạm tội.

MIC đã thuê công ty giám định Raco tiến hành công tác giám định thiệt hại và tại văn bản số 439/2012, MIC thông báo Raco đã tính toán được số tiền bồi thường của MIC đối với vụ tổn thất này là 2.573.915.618 đồng. Không chấp nhận cách tính toán này, bà Hà Thị Loan được MIC hướng dẫn cung cấp thêm các chứng từ liên quan đến hàng hoá bị tổn thất. Thời hạn mà MIC đưa ra cho khách hàng hết sức ngặt nghèo: 30 ngày để hoàn thiện hồ sơ, nếu không kịp, coi như khách hàng đã chấp nhận mức bồi thường mà MIC đưa ra.
Bà Loan cho biết thêm, do sổ sách, chứng từ đã bị lửa thiêu rụi trong vụ cháy nên gia đình bà đã không kể nắng, mưa, ngày đêm đi đến gần 500 nhà cung cấp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước để thu thập, xin lại các toa hàng, phiếu xuất hàng mà các nhà cung cấp đã bán cho Hoàn Mỹ để MIC làm căn cứ xác định tổn thất.

Ngày 20.9.2012 MIC có văn bản số 1772/2012 thông báo nâng mức bồi thường từ 2.573.915.618 đồng lên 3.211.362.721 đồng. “Theo hợp đồng bảo hiểm chúng tôi đã ký với MIC, số tiền bồi thường thấp nhất mà MIC phải trả cho chúng tôi không dưới 18 tỉ đồng, vậy nhưng qua hai lần tính toán, MIC đưa ra con số hơn 3,2 tỉ đồng là quá thấp”, bà Loan cho biết.

Do bất đồng về cách tính toán và mức bồi thường nên 14 tháng qua, MIC và khách hàng không tìm được “tiếng nói chung”. Sự việc kéo dài khiến cho khách hàng gặp nhiều khó khăn, bà Loan đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy do không còn kinh phí để tu sửa lại siêu thị nên 14 tháng qua siêu thị này không hoạt động trở lại được. Thêm vào đó do kinh doanh theo mô hình siêu thị mua hàng trước, trả tiền sau nên hiện bà Loan đang bị chủ hàng đòi nợ một cách ráo riết. Một số chủ hàng bức xúc với hàng tỉ đồng đang bị siêu thị Hoàn Mỹ nợ, chưa biết khi nào mới trả đã thuê “đầu gấu” tới trấn áp vợ chồng bà Loan.

Trước tình cảnh khó khăn này, từ tháng 3.2012 tới nay, bà Loan liên tục đệ đơn đề nghị MIC tạm ứng tiền bồi thường để bà thanh toán nợ nần. Tại văn bản số 1772/2012 ngày 20.9.2012 MIC đã đồng ý tạm ứng số tiền bồi thường cho khách hàng là 1,5 tỉ đồng. Thế nhưng, mặc cho khách hàng đã ba lần gửi đơn xin tạm ứng, MIC vẫn không giải quyết việc tạm ứng như đã hứa. Thậm chí, ngày 27.11.2012, khi bà Loan tới tổng công ty MIC tại Hà Nội đề nghị giải quyết việc tạm ứng bồi thường thì được cán bộ của MIC trả lời: không thể hẹn chính xác ngày tạm ứng số tiền trên. Quá bức xúc và tuyệt vọng, ngày 8.12.2012, vợ chồng bà Loan đã gửi đơn kêu cứu tới lãnh đạo bộ Quốc phòng.

Sự việc của siêu thị Hoàn Mỹ với MIC một lần nữa làm xấu đi hình ảnh của ngành kinh doanh bảo hiểm với “nguyên tắc” chết người: “mua dễ, khó đòi”.

Tiếp xúc với phóng viên, một số nhân viên của siêu thị Hoàn Mỹ cho biết họ đã gửi đơn yêu cầu chủ siêu thị thanh toán tiền lương và bảo hiểm nhưng chỉ nhận được lời hứa khi nào bảo hiểm bồi thường mới có khoản tiền này. “Chúng tôi mất việc làm 14 tháng nay và đã chờ đợi khoản tiền nói trên quá lâu rồi. Nay chúng tôi yêu cầu chủ siêu thị bố trí xe đưa 50 người chúng tôi về Hà Nội để xác thực chuyện có được bồi thường bảo hiểm hay không với tổng công ty bảo hiểm Quân đội. Nếu không, chủ siêu thị phải có trách nhiệm trả lương và bảo hiểm cho chúng tôi trước tết dương lịch 2013”, chị Phạm Thị Ngân, đại diện cho các nhân viên này đề nghị.

Cái lý của bảo hiểm

Ngày 11.12.2012, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện của MIC xung quanh vụ việc này. Bà Lê Thị Hương Giang, phó ban kiểm tra kiểm soát nội bộ MIC lý giải: thời gian giải quyết bồi thường kéo dài là do phía siêu thị Hoàn Mỹ đã không thu thập được đầy đủ các hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ để MIC làm căn cứ tính toán bồi thường. Bà Giang cho rằng theo luật Kinh doanh bảo hiểm thì để chi trả tiền bồi thường, công ty bảo hiểm phải xác định mức độ thiệt hại trên hai cơ sở: giám định độc lập và khách hàng tự chứng minh. Trong trường hợp này, giám định độc lập đưa ra con số rất thấp, tới mức chính MIC cũng thừa nhận “nếu chi trả mức này thì thiệt hại cho khách hàng”, nên MIC đã hướng dẫn khách hàng tự chứng minh. “Chúng tôi sẵn sàng bồi thường mức cao hơn nếu như khách hàng chứng minh được tổn thất của vụ cháy”, bà Giang nói.

Hiện trường vụ cháy siêu thị Hoàn Mỹ, Yên Bái. Ảnh: Quế Hà

Cái lý của MIC xem ra không sai nhưng thực tế thì MIC có làm đúng như những nguyên tắc mình đã thông tin tới khách hàng và báo chí khi gạt toàn bộ những hồ sơ pháp lý mà khách hàng cung cấp vì cho rằng không hợp pháp. MIC đã không tính tới việc cửa hàng kinh doanh tổng hợp Hoàn Mỹ là hộ kinh doanh nộp thuế khoán và vì vậy không thể có hệ thống kế toán cũng như hoá đơn chứng từ như những siêu thị lớn. Hơn nữa, chủ siêu thị không cố tình gây cháy (việc này công an cũng đã có kết luận) để trục lợi bảo hiểm nên đã không có hệ thống sổ sách, chứng từ được làm “gọn gàng, đẹp đẽ, đúng quy định” để làm căn cứ đòi bồi thường. Kỳ lạ hơn, dù nói rằng thông cảm với những khó khăn của khách hàng và hết sức sẻ chia, nhưng MIC lại cho biết số tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm mà MIC “hứa” sẽ chi trả trước cho khách hàng là có sự nhầm lẫn. MIC chỉ tạm ứng khi khách hàng đồng ý với số tiền bồi thường cuối cùng. Mức mà MIC muốn bồi thường cho khách hàng và có ý “ép” khách hàng nhận chỉ là 3,2 tỉ đồng. Bà Giang khẳng định, trường hợp siêu thị Hoàn Mỹ đồng ý, MIC sẽ chi trả bồi thường trong khoảng thời gian 15 ngày kể từ ngày Hoàn Mỹ xác nhận. Nếu đồng ý với mức bồi thường trên thì liệu chủ siêu thị Hoàn Mỹ có còn cần phải tạm ứng? Phải chăng MIC biết khách hàng khó khăn nên cố tình ép khách hàng?

Sự việc của siêu thị Hoàn Mỹ với MIC một lần nữa làm xấu đi hình ảnh của ngành kinh doanh bảo hiểm với “nguyên tắc” chết người: “mua dễ, khó đòi”.

Quế Hà

Vẫn hoạt động dù bị yêu cầu đóng cửa vì gây ô nhiễm

Vẫn hoạt động dù bị yêu cầu đóng cửa vì gây ô nhiễm

SGTT.VN - Công ty Rochdale Spears ở khu công nghiệp (KCN) Đồng An, Thuận An, Bình Dương vẫn tiếp tục các hoạt động sản xuất, dù đã bị cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu ngừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường.

Công ty Rochdale Spears bắt đầu hoạt động từ tháng 9.2012. Nhà xưởng đã xả thẳng bụi gỗ và mùi hoá chất ra môi trường. Sau khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra công ty Rochdale Spears, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt công ty này 250 triệu đồng và yêu cầu công ty tạm ngưng hoạt động từ 16.11.2012. Tuy nhiên Rochdale Spears chỉ đóng phạt và tiếp tục hoạt động sản xuất.

Ngày 21.12.2012, các cơ quan chức năng đã tiến hành họp và tiếp tục yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động cơ sở 2 của công ty từ ngày 26.12 cho đến khi công ty thực hiện xong việc lắp đặt hệ thống lọc khí, bụi. Nhưng theo ông Bùi Mạnh Lân, trưởng ban quản lý KCN Đồng An, chi nhánh 2 của Rochdale Spears vẫn tiếp tục thải khí, bụi và hoạt động phun sơn đồ gỗ suốt những ngày qua, dù đã giảm công suất.

L.Quỳnh

Lắp ghép 9 cầu vượt tại các nút nghẽn giao thông

Năm 2013

Lắp ghép 9 cầu vượt tại các nút nghẽn giao thông

SGTT.VN - Sau một thời gian dài với hàng loạt biện pháp đưa ra để giải quyết nạn ùn tắc giao thông nhưng chưa mấy hiệu quả, đầu tháng 7.2012, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM quyết định đưa việc xây dựng cầu vượt bằng thép vào danh mục các công trình giao thông cấp bách nhằm mục đích giải cứu nạn ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Từ đó, đến nay chưa đầy nửa năm, với tốc độ thi công “chóng mặt”, hai cây cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức và Hàng Xanh sắp được đưa vào sử dụng.

Cầu vượt bằng thép đang được TP.HCM kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm dù chưa được đưa vào sử dụng (ảnh chụp cảnh hợp long cầu vượt bằng thép ở vòng xoay Hàng Xanh – Bình Thạnh). Ảnh: Đ.L

Dù được khởi công từ ngày 16.10, nhưng chỉ sau hơn hai tháng thi công, đêm ngày 26.12, sở GTVT TP.HCM đã tổ chức hợp long cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh. Công trình cầu vượt ngã tư Hàng Xanh có vốn đầu tư 183 tỉ đồng trích từ ngân sách thành phố có bề rộng 16m, dài 390m, trong đó phần cầu dài 220m, chỉ dành cho xe buýt, ôtô dưới chín chỗ và xe 2 – 3 bánh lưu thông. Trước đó không lâu, vào đêm ngày 19.12, sở GTVT TP.HCM đã lắp đặt xong nhịp cuối và chính thức hợp long công trình cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức, sau hơn bốn tháng thi công.

Tại buổi lễ hợp long cầu vượt Hàng Xanh, ông Tất Thành Cang, giám đốc sở GTVT TP.HCM, cho biết công trình này thực hiện nhanh hơn tiến độ đề ra là 1,5 tháng. Theo ông Cang, công trình cầu vượt Hàng Xanh, Thủ Đức khi đưa vào sử dụng trước tết Quý Tỵ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, vốn thành căn bệnh trầm kha từ nhiều năm qua.

Dù chưa thấy được hiệu quả thông qua thực tế, nhưng có lẽ do đặt kỳ vọng rất lớn vào giải pháp cầu vượt lắp ghép bằng thép, mà kế hoạch đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông giai đoạn từ năm 2013 – 2015 được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM và đã thông qua trong kỳ họp cuối năm 2012, có đến chín cầu vượt bằng thép được lập dự án đầu tư xây dựng trong năm 2013, với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, các cầu vượt bằng thép chủ yếu tập trung ở các quận Tân Bình, quận 10 và phần lớn được lắp đặt tại các nút giao thông thường xuyên bị ùn tắc trong nhiều năm qua, như: ngã sáu Công Trường Dân Chủ; ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự; ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ba Tháng Hai, ngã bảy Điện Biên Phủ (quận 10); còn ở quận Tân Bình cũng được đầu tư đến ba cầu vượt ở các nút giao thông Lăng Cha Cả, Hoàng Hoa Thám – Cộng Hoà, Trường Chinh – Cộng Hoà; hai cầu vượt còn lại được xây dựng tại ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân) và nút giao Cây Gõ (quận 6).

Hơn 7.000 tỉ đồng

Là số tiền TP.HCM lên kế hoạch để thực hiện các công trình giao thông nhằm giải bài toán giao thông đang bị quá tải trong giai đoạn năm 2013 – 2015, với tổng cộng 32 dự án đầu tư xây dựng. Trong tổng số vốn kể trên, số tiền phải đền bù giải phóng mặt bằng chiếm đến hơn 2.300 tỉ đồng.

Không chỉ tập trung đầu tư cầu vượt bằng thép, trong kế hoạch giải quyết nạn ùn tắc giao thông giai đoạn năm 2013 – 2015, thành phố còn cho mở rộng hàng loạt các tuyến đường vốn lâu nay thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án mở rộng đường Lạc Long Quân (quận 11), đoạn từ đường Bình Thới đến Tân Hoá, với tổng vốn đầu tư hơn 335 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 315 tỉ đồng; dự án mở rộng nâng cấp đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 220 tỉ đồng; lập dự án xây dựng đường nối từ đường Thái Văn Lung vào đường Tôn Đức Thắng (quận 1),…

Những chiếc cầu vượt không thể đại diện cho một thành phố văn minh hiện đại như TP.HCM. Thế nhưng, thực tế nó lại đang được chính quyền cũng như người dân thành phố mong chờ để cứu mình thoát khỏi cảnh ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài vào những lúc cao điểm lưu thông, dù ai cũng biết đây là biện pháp tạm thời. Mong rằng, trong tương lai, TP.HCM sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ hơn thông qua các đề án quy hoạch giao thông, dân cư bài bản hơn, để TP.HCM không cần đến cầu vượt lắp ghép mà vẫn không bị kẹt xe, xứng đáng với đô thị văn minh hiện đại mà chính quyền thành phố đang hướng tới.

Đào Lê – Đoàn Quý

PVN chuẩn bị kỹ cho mọi tình huống ở biển Đông

PVN chuẩn bị kỹ cho mọi tình huống ở biển Đông

SGTT.VN - Trước câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị về kế hoạch ứng phó với diễn biến phức tạp ở biển Đông, ông Phùng Đình Thực, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, mọi tình huống phải được chuẩn bị hết sức kỹ càng. Ông Thực nói tại buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh 2012 và kế hoạch 2013 chiều 27.12 tại Hà Nội.

Khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. 

Theo ông Thực, tình hình biển Đông đã phức tạp và cũng rất khó lường cái gì sẽ xảy ra. Có thể tình huống giống (các vụ việc trước đây – PV) và cũng có thể không giống, nhưng phải được chuẩn bị hết sức kỹ càng.

“Hiện nay tập đoàn Dầu khí trong mọi tình huống xảy ra đều hết sức bình tĩnh, vì chúng tôi biết rằng hoạt động dầu khí của chúng ta trên thềm lục địa Việt Nam, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Mà thềm lục địa và vùng đặc quyền của Việt Nam không phải do mình tự quy định, mà căn cứ vào luật pháp quốc tế, đó là công ước về Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS). “Chúng tôi hoạt động hoàn toàn hợp pháp và đến nay đang thực hiện trên quyền của mình”, ông nói.

Chúng ta có thể chuẩn bị tình huống, có nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng ở đây xin nói là PVN ứng phó theo bác Hồ là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Bất biến chính là chủ quyền quốc gia, còn hàng trăm ngàn tình huống có thể xảy ra thì vạn biến để ứng phó.

Trước đó, ông Lê Minh Hồng, phó tổng giám đốc PVN cho hay, một trong những khó khăn của tập đoàn trong năm 2012 là công tác tìm kiếm thăm dò vùng xa bờ gặp nhiều khó khăn, giá thành khoan cao, các hoạt động của tập đoàn ở biển Đông còn nhiều phức tạp.

Đối với câu hỏi về khó khăn do tiếp nhận các doanh nghiệp, dự án từ Vinashin, ông Thực thông tin, hiện nay các dự án chúng tôi nhận lại có dự án đang hoạt động, có dự án chưa hoạt động, có dự án hoạt động một phần. Đa phần mức đầu tư trước đây cao và bây giờ quy mô sử dụng thì hạn chế, cho nên tính hiệu quả chưa cao. Cái này hiện nay chúng tôi đang tìm nhiều cách, một mặt là tiếp tục đẩy mạnh sử dụng hiệu quả.

Ví dụ như trong khu vực Tiền Giang, xây dựng nhà máy sản xuất ống, tại Dung Quất hiện nay nhà máy đóng tàu đang được triển khai, tất cả các tàu, bè chúng ta sử dụng, xây dựng, sửa chữa tập trung tại công trình này. “Làm sao cố gắng để các dự án này mang lại hiệu quả”, ông Thực nhấn mạnh.

Đặc biệt, có những dự án khác như dự án Lai Vu thì hiện tiếp tục để công bố, cũng có các đối tác nước ngoài đang muốn mua lại, thì đang triển khai nhiều phương án khác nhau. Với dự án này chúng tôi cho là khó khăn, đang tìm cách để tháo gỡ , giảm bớt khó khăn của các dự án này.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi về một số cán bộ của tập đoàn bị cấm xuất cảnh, ông Lê Minh Hồng, phó tổng giám đốc PVN nói, việc tạm dừng xuất cảnh hoặc là cấm xuất cảnh là biện pháp nghiệp vụ của cơ quan an ninh điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra hoặc là các cơ quan khác có thẩm quyền. Theo tôi được biết thì những thông tin này là thông tin mật mà không ai được quyền biết, trừ các cơ quan có trách nhiệm của bộ Công an, những người có trách nhiệm. Ngay bản thân tôi cũng không biết thông tin bao nhiêu người, những ai.

Ông Phùng Đình Thực cũng khẳng định, công ty mẹ không có nợ xấu, còn ở 28 công ty con và các công ty cấp ba thì có thể có nợ ngân hàng và nợ lẫn nhau. Việc này cần kiểm tra, “chắc chắn có chỉ là ở mức độ nào thôi”.

Theo phó tổng giám đốc Hồng, năm 2012, tập đoàn đã gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48 triệu tấn quy đổi, bằng 137,1% kế hoạch năm. Tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2012 đạt 26 triệu tấn, bằng 104,8% kế hoạch năm, tăng 8,7% so với 2011. Trong đó sản lượng khai thác dầu đạt 16,70 triệu tấn, bằng 105,6% kế hoạch năm, tăng 9,8% so với 2011. Tập đoàn đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 290 triệu vào ngày 31.5.2012.

Sản lượng khai thác khí 2012 đạt 9,30 tỷ m3, bằng 103,3% kế hoạch năm, tăng 6,9% so với 2011. Tập đoàn đạt mốc khai thác m3 khí thứ 80 tỷ vào ngày 15.10. Sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia đạt 15,10 tỷ kWh, bằng 109% kế hoạch năm, tăng 12,2% so với 2011. Đạt mốc sản kWh điện thứ 50 tỷ vào ngày 14.10.

Tính chung sản lượng sản xuất xăng dầu toàn tập đoàn đạt 5,61 triệu tấn, bằng 94,3% kế hoạch năm, trong đó tính riêng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vận hành ổn định với công suất tối ưu sau một thời gian khắc phục. Tổng sản phẩm sản xuất từ nhà máy đạt 5,67 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch năm (trong đó sản phẩm xăng dầu các loại của nhà máy đạt 5,14 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch năm).

Hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục được đẩy mạnh, doanh thu dịch vụ dầu khí 2012 đạt trên 234 nghìn tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch năm, tăng 13% so với 2011, chiếm 30% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Năm 2012, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn đạt 772,7 nghìn tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch năm, tăng 14,4% so với 2011.

Tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp toàn tập đoàn đạt 113,1 nghìn tỷ đồng, bằng 119,4% kế hoạch năm, tăng 12,4% so với 2011.

Nộp ngân sách Nhà nước ở mức 186,3 nghìn tỷ đồng, bằng 138,2% kế hoạch năm, tăng 15,8% so với 2011, vượt mức 51,48 ngìn tỷ đồng so với kế hoạch năm.

Trong 2012 tập đoàn rà soát và đình hoãn, giãn tiến độ 24 dự án đầu tư với tổng giá trị đình hoãn, giãn tiến độ các dự án là trên 11,17 nghìn tỷ đồng.

Về kế hoạch 2013, tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng từ 35 – 40 triệu tấn dầu quy đổi; khai thác dầu khí khoảng 25,20 triệu tấn, trong đó dầu thô 16 triệu tấn, khí 9,2 tỷ m3. Mục tiêu sản xuất điện đạt 13,85 tỷ kwh, đạm 1.520 nghìn tấn, xăng dầu các loại 5.670 nghìn tấn. Doanh thu 2013 phấn đấu 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng. “Mục tiêu này thấp hơn 2012 vì tính theo giá dầu Quốc hội đã thông qua là 90 USD, và tình hình thế giới biến động khó lường”.

Việt Anh

Y án bốn năm tù giam đối với bị cáo Hoàng Khương

Y án bốn năm tù giam đối với bị cáo Hoàng Khương

SGTT.VN - Ngày 27.12, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo của 5/6 bị cáo trong vụ án liên quan đến bị cáo Hoàng Khương (tên thật Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1973), nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh về tội đưa hối lộ, đồng thời tuyên y án sơ thẩm.

Bị cáo Hoàng Khương trong ngày xử phúc thẩm (27.12.2012). (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) 

Đối với bị cáo Trần Minh Hòa (sinh năm 1991), do có tiền án 3 năm tù về tội “cướp giật tài sản” nên Hội đồng xét xử đã quyết định tổng hợp bản án thành 8 năm tù. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng ra lệnh bắt giam Hoàng Khương do bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên và trước đó, Khương đã được tại ngoại để lo công việc gia đình.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của Hoàng Khương là nguy hiểm cho xã hội, lợi dụng nghề nghiệp, viết bài bênh người thân, cổ xúy cho tệ nạn đua xe trái phép, chứ không phải chỉ là sự sai sót trong nghiệp vụ.

Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Minh Đức (sinh năm 1976, nguyên cán bộ Cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh), Nguyễn Đức Đông Anh (sinh năm 1989), Trần Minh Hòa tiếp tục kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Trần Anh Tuấn (sinh năm 1966) kháng cáo xin hưởng án treo. Hoàng Khương cũng có kháng cáo xin cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên bị cáo vô tội, miễn trách nhiệm hình sự.

Hoàng Khương cho rằng, bản thân chỉ tác nghiệp báo chí, thực hiện chủ trương của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ về tuyến bài phản ánh nguyên nhân gây tai nạn giao thông và các sai sót trong xử lý vi phạm giao thông, không hề xuất phát từ động cơ cá nhân...

Bào chữa cho Hoàng Khương, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Khương chỉ sai sót về mặt nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ trong ranh giới mong manh giữa tác nghiệp báo chí và vi phạm pháp luật; nhất là khi pháp lý hành nghề nhà báo chưa hoàn thiện, phóng viên phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sự dấn thân, nhập vai để thực hiện các bài phóng sự, điều tra chống tiêu cực. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Khương.

Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Hoàng Khương 4 năm tù giam về tội “đưa hối lộ.” Cùng tội danh này, Nguyễn Đức Đông Anh, Trần Minh Hòa và Trần Anh Tuấn lần lượt lĩnh các mức án 4 năm, 5 năm, 1 năm tù giam; Tôn Thất Hòa (sinh năm 1955, không kháng cáo) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “làm môi giới hối lộ”. Riêng bị cáo Huỳnh Minh Đức lĩnh 5 năm tù về tội “nhận hối lộ”.

TTXVN

Bé trai 16 tháng tuổi ngộ độc heroin

Bé trai 16 tháng tuổi ngộ độc heroin

SGTT.VN - Ngày 27.12, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Khoa nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa vừa điều trị giải ngộ độc heroin cho bé trai.

Bệnh nhân là N.V.T, 16 tháng tuổi ở Hòa Bình đã vô tình uống phải li nước có pha bột heroin mà người lớn pha để chữa bệnh đau bụng.

Gần 1 ngày sau, bé cứ lịm dần, có cơn ngừng thở và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé bị ngộ độc heroin gây ra tình trạng tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu.

Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, tiêm thuốc giải độc, truyền dịch. Sau khi được điều trị hai tuần liên tục, bé đã bình phục, được xuất viện với thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo lời kể của gia đình, bố mẹ đi làm gửi bé T. cho người quen trông giúp. Trong lúc trông bé, người hàng xóm đau bụng đã pha một chút heroin ra li nước để uống. Vừa pha xong, để trên bàn chưa kịp uống chạy vào bếp chạy ra thì đã thấy bé T. uống hết li nước để trên bàn.

L.Hà

Năm 2013: ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý nợ xấu

Năm 2013: ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý nợ xấu

SGTT.VN - Đó là những nhiệm vụ chủ chốt của ngành ngân hàng trong năm 2013 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tại cuộc họp báo tổ chức hôm 27.12, tại Hà Nội. Năm 2013, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 12%.

Tăng trưởng tín dụng đạt chưa đầy một nửa mục tiêu

Nợ xấu đang nằm nhiều trong các công trình xây dựng, bất động sản 

Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết, năm 2012, tổng phương tiện thanh toán cả năm tăng khoảng 20%; tín dụng tăng khoảng 7%; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm từ 3 – 6%; lãi suất cho vay giảm 5 – 9% so với cuối năm 2011 và đã cơ bản trở về mức lãi suất cuối năm 2007. Tính đến 20.12, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 6,45% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND tăng 8,29%; tín dụng ngoại tệ giảm 3,51%. Như vậy, kết quả này chỉ đạt chưa đầy một nửa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra hồi đầu năm 2012.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng nói chung, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm so với cuối năm 2011. Dư nợ cho vay VND có mức lãi suất trên 15% chiếm tỷ trọng 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15.7.2012; đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng số 252.159 tỷ đồng.

Thanh khoản của hệ thống TCTD được cải thiện, số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm xuống mức khoảng 95%; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh từ 10 – 11% so với cuối năm 2011.

Tuy nhiên, vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ cũng thừa nhận, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và hoạt đông ngân hàng còn một số vấn đề:tăng tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn song nợ xấu gia tăng, thanh khoản của toàn hệ thống các TCTD đã được cải thiện, song còn một số NHTM cổ phần còn khó khăn; một số TCTD chưa chấp hành nghiêm các quy định lãi suất huy động tối đa của NHNN.

Năm 2013, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng với các TCTD với chỉ tiêu định hướng cả năm không quá 12%, trong đó vẫn tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tốc độ tăng nợ xấu giảm từ 8 – 9% xuống còn 3% mỗi tháng

Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Vũ Quang Huy, cho biết, tính đến 21.12.2012, tỷ giá mua trung bình của các ngân hàng thương mại giảm 0,96% so với cuối năm 2011, tình trạng đô la hóa đã từng bước được đẩy lùi, biểu hiện: tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán là 13,2%, thấp hơn mức 15,8% cuối năm 2011; đến cuối năm 2012, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi tiền gửi VND của dân cư tăng 36%.

Ông Huy cũng cho biết, NHNN đang tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng, theo đó sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 TCTD đáp ứng đủ điều kiện, dự kiến sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng ở 63 tỉnh, thành phố. “Từ ngày 10.1.2013, các doanh nghiệp, TCTD không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”, ông Huy nhấn mạnh.

Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, cho biết, ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã nhận định trong hệ thống có 9 NHTM cổ phần cần ưu tiên xử lý ngay. Cho đến nay, 3 NH được hợp nhất, 2 NH được sáp nhập, 2 NH được tái cơ cấu, 1 NH được hợp nhất với một NH khác. Các NHTM Nhà nước cũng đã lựa chọn các phương án tái cấu trúc, tiếp tục cổ phần hóa. Ngay cả các NH liên doanh cũng được xem xét để có phương án xử lý.

Để xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn các biện pháp xử lý nợ xấu, như tăng dự phòng rủi ro; cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu; cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ, kiềm chế gia tăng nợ xấu, giảm thiểu tác động nợ xấu; mua bán nợ xấu...

Ngày 26.12, NHNN đã trình Chính phủ đề án tổng thể về xử lý nợ xấu và đề án thành lập công ty Quản lý tài sản Việt Nam nhằm đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu. Nhờ vậy, đến nay tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần, từ mức tăng 8 – 9% mỗi tháng trong 4 tháng đầu năm xuống còn khoảng 3%/tháng hiện nay. Đến tháng 12.2012, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro 78.600 tỷ đồng và đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập này.

Xử lý nợ cấu: “cái khó bó cái khôn”

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho rằng, năm 2012, các cân đối vĩ mô đã dần được thiết lập, biểu hiện như tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, tín dụng tăng thấp, chỉ đạt khoảng 7% cả năm nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 5% - cho thấy đồng vốn dần được sử dụng hiệu quả... Trong cơ cấu tín dụng, trước đây đổ vào lĩnh vực phi sản xuất rất lớn, nhưng năm qua, chủ yếu đi vào các khu vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu... Nhiệm vụ 2013, Thống đốc cho biết vẫn tiếp tục tập trung ổn định vĩ mô; tháo gỡ khó khăn của DN và xử lý nợ xấu trong hệ thống.

Phóng viên Sài gòn Tiếp thị câu hỏi: “Công tác xử lý nợ xấu được đánh giá là chậm, càng khiến cho nhiệm vụ này trở nên khó khăn vì nợ xấu không mất đi mà ngày một gia tăng. Nguồn để xử lý nợ xấu từ dự phòng rủi ro, cũng không thể lấy từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, mà phải là nguồn vốn mới. NHNN làm thế nào để thuyết phục Chính phủ, các nhà đầu tư bỏ tiền ra để xử lý nợ xấu?”.

Thống đốc thừa nhận, công tác xử lý nợ xấu của chúng ta thời gian qua cũng có phần chậm, do vấn đề nguồn lực – “cái khó bó cái khôn”. Tuy nhiên, trong điều kiện của chúng ta, việc xử lý như vậy là quá quyết liệt. Chẳng hạn như đã cơ cấu hơn 250.000 tỷ đồng – tương ứng 8% dư nợ tín dụng của các NH. Hay như việc chỉ đạo các NHTM phải dùng dự phòng rủi ro, lợi nhuận để xử lý nợ xấu, năm nay, các NHTM không có NH nào tuyên bố “lãi khủng”, thậm chí còn phải xa thải nhân viên.

“Hệ thống NH đã gồng mình xử lý nợ xấu”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, nợ xấu là của cả nền kinh tế, nên chỉ NH không làm được. “Nợ xấu phần lớn do các ông doanh nghiệp, nên ai quản lý ông doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Hay bất động sản vừa qua quá nóng, thì cũng phải xử lý bất động sản”, ông nói.

Liên quan đến đề xuất dành 20.000 – 40.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm để hỗ trợ cho vay mua nhà, Thống đốc khẳng định sẽ dùng nguồn tiền từ NHNN.

Sau các quyết định giảm một loạt lãi suất chủ chốt mới đây, Thống đốc cho biết sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến chỉ số giá cả, thị trương để tiếp tục đưa ra những điều chỉnh kịp thời về lãi suất huy động và cho vay.

Thảo Nguyễn

Chỉ số giá tiêu dùng 2012: Mừng và lo

Chỉ số giá tiêu dùng 2012: Mừng và lo

SGTT.VN - Chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 tuy được kiềm chế ở mức thấp, song diễn biến khá bất thường và thiếu bền vững. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể tăng trở lại khi điều kiện kinh tế thay đổi. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam năm 2012, dự báo 2013 tổ chức hôm qua (27.12) tại Hà Nội.

Bất thường về chu kỳ và nhóm hàng hóa

Lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung 

Đánh giá về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2012, phó vụ trưởng vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Ngô Thị Ánh Dương nhận xét: ở giai đoạn đầu năm, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo tháng tương đối ổn định. Tuy nhiên, ở giai đoạn nửa sau của năm, biên độ dao động của CPI theo tháng rất lớn, có những biến động bất thường, mức tăng giá không theo quy luật khi giá cứ tăng thấp dần vào cuối năm, tính từ tháng 9 với mức tăng lần lượt là 2,2%; 0,85%; 0,47% và 0,27%.

Về CPI cả năm so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng có mức tăng, giảm giá thay đổi nhiều so với năm trước, trong đó, lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (năm nay tăng 3,26% và 8,14% trong khi năm trước là 29,34% và 18,58%. Trong khi đó, nhóm dịch vụ y tế - đóng góp nhiều nhất vào mức tăng CPI cả năm – đã có chuỗi điều chỉnh tăng 5 tháng liền, từ tháng 7 đến tháng 12.2012 với các mức tăng lần lượt là 4,65%; 7,71%; 23,87%, 7,78% và 6,66% (tính cả năm 2012, giá dịch vụ y tế tăng tới 45,23%). Mặt hàng xăng dầu cũng “đóng góp tích cực” khi tăng giá 6 lần, trong đó có tháng tăng tới 3 lần...

Viện trưởng viện Kinh tế tài chính, Nguyễn Ngọc Tuyến, chung nhận định: CPI giảm từ tháng 9 đến tháng 12 là hiện tượng bất thường. Ông phân tích: thông thường, quý IV là quý có tăng trưởng kinh tế lớn nhất, nhu cầu về sử dụng lao động, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên, kéo giá cả tăng theo. “Nếu chỉ số giá tiêu dùng các tháng 1 và 2 năm 2013 tiếp tục tăng thấp hoặc giảm thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo về một khả năng rất khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của năm 2013.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh, nhận định: việc giá dịch vụ y tế chiếm tỷ trọng có 6% trong rổ hàng hóa song nhóm mặt hàng này đã đóng góp tới 2,5% trong tổng số 6,81% mức tăng CPI cả năm, là do “việc quản lý giá các mặt hàng này chưa tốt, gây lạm phát kỳ vọng”.

Việc chỉ số CPI năm nay giữ ở mức tương đối thấp, theo chủ tịch hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú “có mừng, có lo”, bởi một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do tổng cầu sụt giảm và điều này sẽ dẫn đến sản xuất tiếp tục đình đốn.

Yếu tố giảm thiếu bền vững

Năm 2013, phó vụ trưởng vụ Thống kê giá Ngô Thị Ánh Dương, cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7 – 8% khá thách thức trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh trong nước và thé giới còn khó khăn, giá cả bất ổn. Một số điều chỉnh của chính sách giá cả, tiền tệ được bà Dương nhận định là sẽ tác động làm tăng CPI năm tới, bao gồm: tăng giá điện (từ 20.12.2012, giá điện cho tiêu dùng và sản xuất đã tăng 5%; tiếp tục tăng dịch vụ y tế theo Thông tư 04 của liên bộ Y tế - Tài chính; nới lỏng chính sách tiền tệ để giải cứu một số ngành kinh tế, làm tăng tổng phương tiện thanh toán.

Nguyên phó chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cũng cảnh báo: việc giá lương thực giảm suốt từ tháng giêng đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2012 một mặt giúp CPI năm nay không tăng cao, nhưng mặt khác cũng báo trước nguy cơ tăng giá trở lại vào năm 2013. Nguyên nhân, theo ông Nghĩa, khi giá cả liên tục giảm, người sản xuất lương thực, thực phẩm sau một thời gian thua lỗ sẽ bỏ ruộng, bỏ chuồng, làm thiếu hụt nguồn cung và sẽ lại dẫn tới một chu kỳ tăng giá sau đó.

Chung mối trăn trở về điệp khúc “được mùa mất giá” này, ông Vũ Vinh Phú còn lo ngại, năm nay bắt đầu xuất hiện nguy cơ trong hệ thống phân phối là các tổ chức, cá nhân nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Việt Nam, đặt hàng, mua vét hàng hóa với bất cứ giá nào, sau đó vi phạm hợp đồng, ngừng tiêu thụ gây ảnh hưởng sản xuất hàng loạt của nông dân. Thị phần một số mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, lợn giống, gà thịt... đang có khả năng bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm ngày càng lớn, dễ dẫn tới bị khống chế giá, ép giá... Để giải quyết bài toán này, ông Phú cho rằng phải quan tâm tới công tác dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, vật tư chủ yếu, lương thực thực phẩm chủ yếu... đi đôi với thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đủ mạnh của những nhóm mặt hàng đó, đảm bảo cung ứng chủ động, đầy đủ, ổn định với chi phí thấp nhất cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội kịp thời ứng phó với những biến động bên trong và bên ngoài.

“Mặc dù CPI năm nay giảm, nhưng chưa có yếu tố bền vững, nên kiềm chế giá cả vẫn là một thách thức cho năm tới”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh nhận xét. Cụ thể như là giá thế giới, nay giảm, mai có thể sẽ lại tăng; cầu nội địa hiện thấp hơn nhiều dự báo, nhưng nếu kinh tế phục hồi sẽ gia tăng trở lại; cán cân thanh toán chưa đủ bền vững để hỗ trợ giảm sức ép về tỷ giá; năng suất, chất lượng nền kinh tế còn rất thấp; và CPI của chúng ta giảm song còn cao hơn nhiều nước trong khu vực. “Vì vậy, chúng ta chưa thể vội mừng được”, bà Thanh nhấn mạnh.

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, trường đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh, cần minh bạch hóa điều chỉnh chính sách mang tính nhạy cảm, như lãi suất, thuế, tỷ giá... để giảm thiểu đầu cơ hoặc các thỏa thuận ngầm giá cả để thu lợi bất chính. Mặt khác, cần công bố lộ trình điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ công như giá điện, xăng dầu..., thay vì kiểu “tăng giá du kích” như chúng ta vẫn làm vừa qua. “Tại sao chúng ta lại có những quyết định tăng giá xăng dầu lúc 10g đêm, gây tò mò, căng thẳng cho người dân trong khi giới đầu cơ vẫn găm hàng từ trước đó nhiều ngày? Hay giá điện, trước sau khẳng định chưa tăng trong năm nay, rồi cuối tháng 12 tăng đùng một cái”, ông Lạng đặt câu hỏi.

Thảo Nguyễn

Y án bốn năm tù giam đối với bị cáo Hoàng Khương

Y án bốn năm tù giam đối với bị cáo Hoàng Khương

SGTT.VN - Ngày 27.12, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo của 5/6 bị cáo trong vụ án liên quan đến bị cáo Hoàng Khương (tên thật Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1973), nguyên phóng viên Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh về tội đưa hối lộ, đồng thời tuyên y án sơ thẩm.

Bị cáo Hoàng Khương trong ngày xử phúc thẩm (27.12.2012). (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) 

Đối với bị cáo Trần Minh Hòa (sinh năm 1991), do có tiền án 3 năm tù về tội “cướp giật tài sản” nên Hội đồng xét xử đã quyết định tổng hợp bản án thành 8 năm tù. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng ra lệnh bắt giam Hoàng Khương do bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên và trước đó, Khương đã được tại ngoại để lo công việc gia đình.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của Hoàng Khương là nguy hiểm cho xã hội, lợi dụng nghề nghiệp, viết bài bênh người thân, cổ xúy cho tệ nạn đua xe trái phép, chứ không phải chỉ là sự sai sót trong nghiệp vụ.

Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Minh Đức (sinh năm 1976, nguyên cán bộ Cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh), Nguyễn Đức Đông Anh (sinh năm 1989), Trần Minh Hòa tiếp tục kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Trần Anh Tuấn (sinh năm 1966) kháng cáo xin hưởng án treo. Hoàng Khương cũng có kháng cáo xin cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên bị cáo vô tội, miễn trách nhiệm hình sự.

Hoàng Khương cho rằng, bản thân chỉ tác nghiệp báo chí, thực hiện chủ trương của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ về tuyến bài phản ánh nguyên nhân gây tai nạn giao thông và các sai sót trong xử lý vi phạm giao thông, không hề xuất phát từ động cơ cá nhân...

Bào chữa cho Hoàng Khương, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Khương chỉ sai sót về mặt nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ trong ranh giới mong manh giữa tác nghiệp báo chí và vi phạm pháp luật; nhất là khi pháp lý hành nghề nhà báo chưa hoàn thiện, phóng viên phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sự dấn thân, nhập vai để thực hiện các bài phóng sự, điều tra chống tiêu cực. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Khương.

Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Hoàng Khương 4 năm tù giam về tội “đưa hối lộ.” Cùng tội danh này, Nguyễn Đức Đông Anh, Trần Minh Hòa và Trần Anh Tuấn lần lượt lĩnh các mức án 4 năm, 5 năm, 1 năm tù giam; Tôn Thất Hòa (sinh năm 1955, không kháng cáo) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “làm môi giới hối lộ”. Riêng bị cáo Huỳnh Minh Đức lĩnh 5 năm tù về tội “nhận hối lộ”.

TTXVN

Thông tin mới về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Thông tin mới về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

SGTT.VN - Ngày 27.12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường, đơn vị trực thuộc Bộ. Tại đây, Bộ công bố nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc tuyển sinh, mở ngành, mở trường trong thời gian tới.

Ưu tiên kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật

Năm 2013 Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết: Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nên trong năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy; đồng thời điều chỉnh cơ cấu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh; tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.

Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.

Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu TCCN theo lộ trình 20%/năm, các trường trực thuộc Bộ dự kiến giảm chỉ tiêu với lộ trình nhanh hơn và chấm dứt đào tạo trung cấp trước năm 2017. Đặc biệt, trong năm 2013 không đào tạo TCCN vừa học vừa làm tại các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ sẽ giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ. Trước mắt sẽ giảm chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý giáo dục”. Ông Luận giải thích: “Không có chuyện người không biết gì về giáo dục lại đi làm thạc sĩ, tiến sĩ về giáo dục mà toàn bằng giỏi, bằng khá”.

Dừng mở trường từ năm 2015

Theo báo cáo, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường để ban hành quyết định mới thay thế cho quyết định trước đây. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xem xét việc thành lập, sáp nhập, chia tách các trường ĐH, trong đó có việc xem xét nghiên cứu thành lập phân hiệu của các trường.

150.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy

Dự kiến chỉ tiêu tuyển mới năm 2013 như sau: Tiến sĩ: 1.350, tăng 10-12% so với năm 2012; Thạc sĩ: 27.000, tăng khoảng 5%; ĐH chính quy: 133.000; Liên thông, văn bằng 2 chính quy: 30.000; Vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm: 66.500; Đào tạo từ xa: 40.000. CĐ hệ chính quy: 17.000; Liên thông, văn bằng 2 chính quy: 4.800; Vừa học vừa làm, liên thông theo hình thức vừa học vừa làm: 2.000; TCCN hệ chính quy dự kiến tuyển mới 7.200, giảm khoảng 30% so với năm 2012.

Theo tinh thần quy hoạch, từ nay đến năm 2015 chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng; không giải quyết việc thành lập mới các cơ sở đào tạo và giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020. Bộ khẳng định trong năm 2013, số lượng các trường trực thuộc Bộ sẽ không thay đổi và chỉ tiêu của các trường này vẫn giữ ổn định.

Bộ trưởng Luận cho biết thêm: “Từ năm 2013, Bộ sẽ không cho mở mới các trường đào tạo về kinh tế và không cho mở mới các ngành về khối quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế. Nguyên nhân là ngành học này đã quá thừa và nhu cầu lao động đã bão hòa. Các trường có đào tạo ngành này cần tập trung nâng cao chất lượng thì mới thu hút được người học”. Ông Luận cho hay: “Kiểm tra chỉ tiêu tuyển sinh 2012 thấy có không ít trường tuyển vượt rất nhiều so với năng lực đào tạo. Vi phạm này đã trở thành phổ biến, tràn lan. Việc phạt nặng các trường lên đến 80 triệu đồng thì các trường vẫn có lãi từ số thí sinh tuyển vượt. Vì thế, năm nay, ngoài việc phạt hành chính, Bộ sẽ kỷ luật hiệu trưởng và sẽ đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm”.

Thu học phí cao các ngành kinh tế, tài chính

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch tài chính, trong thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm về đổi mới cơ chế tài chính đối với ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa như: kỹ thuật, khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn... Nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Sinh viên chỉ đóng học phí theo mức quy định của Chính phủ.

Đối với những ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao như kinh tế, tài chính, luật, sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới các cơ sở tự bù đắp chi phí đào tạo. Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành này sẽ tăng dần, đảm bảo 50-90% chi phí đào tạo trong các năm từ 2012 - 2016.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu từ năm 2013 sẽ phải thay đổi cách cấp kinh phí cho các trường, không cấp theo đầu vào như hiện nay nữa. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Vụ Kế hoạch tài chính phải xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật để tính toán lại việc cấp kinh phí. Năm 2013 phải có sự thay đổi, nếu không thay đổi thì nhân sự Vụ Kế hoạch tài chính sẽ thay đổi”.

Tốt nghiệp chưa đủ 3 năm phải thi liên thông cùng thí sinh ĐH, CĐ chính quy

Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ. Theo đó, với người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi 3 môn gồm: môn cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Đối với người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ tổ chức hằng năm. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7.2.2013.

Theo Thanh Niên

Hà Nội, 30 tuyến phố cấm taxi hoạt động giờ cao điểm

18:22 | 27/12/2012 Bản in

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa quyết định cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm tại 5 tuyến phố hay xảy ra ùn tắc.

Cụ thể, taxi bị cấm hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày lễ) trong giờ cao điểm 6h30 – 8h30 sáng và 16h – 19h chiều trên phố La Thành (từ Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa), phố Nguyễn Lương Bằng (từ Đông Các đến Hồ Đắc Di), phố Tây Sơn (từ Hồ Đắc Di đến điểm quay đầu trước gò Đống Đa), phố Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Thái Học đến Khâm Thiên), phố Lê Duẩn (từ Trần Nhân Tông đến phố Đại Cồ Việt).


Thêm 5 tuyến phố nữa cấm taxi giờ cao điểm tại Hà Nội

Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, đơn vị taxi có sảnh đón khách hoặc bãi đỗ tại các tuyến đường trên phải liên hệ với Sở GTVT tại số 2 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội để được cấp phép.

Như vậy, tính chung trên địa bàn Hà Nội, đã có khoảng 30 tuyến phố không cho phép taxi hoạt động vào giờ cao điểm.

Thảo Anh (TTTĐ)

McLaren MP4-12C “chở” London đi khắp châu Âu

19:13 | 27/12/2012 Bản in

Một chiếc McLaren MP4-12C mang phong cách London vừa thực hiện tour du lịch châu Âu dài 3.000km tới các nước Anh, Đức và Thụy Sỹ.

Theo chủ sở hữu của siêu xe đặc biệt này, mục đích chuyến đi của ông là nhằm quảng bá cho London. Ông đã quyết định trang bị cho chiếc xe của mình một thứ gì đó mang đậm bản chất Anh, và ông ta đã chọn khung cảnh thành phố London. Gói độ bao gồm hình ảnh của Tower Bridge, tòa nhà quốc hội, một tủ điện thoại, và Union Jack.

Cùng hoàn thành hành trình với McLaren MP4-12C là một chiếc Mercedes SLS AMG.

Là mẫu xe thể thao đầu tiên do McLaren tự thiết kế và sản xuất kể từ sau McLaren F1 (1992). MP4-12C tận dụng công nghệ trên xe đua F1 với sức mạnh gần 600 mã lực và giá bán đề xuất 229.000 USD.

Một trong những điểm đặc biệt là xe được đặt tên theo ba nguồn gốc: “MP4″ (McLaren Project 4) – những chiếc McLaren tham gia các giải đua Grand Prix đều sử dụng tên gọi này kể từ năm 1981; “12″ – con số may mắn theo sự phân chia hiệu suất bí ẩn của McLaren; và “C” – xe được làm từ sợi carbon.

MP4-12C trang bị động cơ dung tích 3,8 lít có công suất hơn 590 mã lực với những tùy chọn riêng cho khách hàng. Siêu xe mới có 17 màu sơn tùy chọn, trong đó có màu cam đặc trưng McLaren, và 14 kiểu trang trí nội thất.

Xem thêm ảnh McLaren MP4-12C phong cách London

Hà Linh (TTTĐ)

Ford Fiesta Van lộ diện

06:15 | 28/12/2012 Bản in

Cùng với việc làm mới mẫu hatchback tại châu Âu, Ford vừa giới thiệu mẫu xe Fiesta Van ở vương quốc Anh.

Fiesta Van được trang bị phong cách và tính năng như các dòng sản phẩm cải tiến khác của Ford với điểm nhấn là lưới tản nhiệt 6 điểm mới với các thanh mạ crôm, hệ thống kết nối trong xe SYNC với chức năng hỗ trợ khẩn cấp, Active City Stop và hệ thống MyKey.


Ford Fiesta Van

Với không gian chứa đồ 1m3, Ford Fiesta Van sở hữu chiều dài khoang hành lý 1,3m và chịu tải trong phạm vi từ 485-508kg. Tuỳ chọn động cơ gồm hai phiên bản Duratorq TDCi diesel 1.5L công suất 75 mã lực và 1.6L công suất 95 mã lực, cùng động cơ xăng Duratec 1.25L công suất 82 mã lực.

Phiên bản mạnh nhất là ECOnetic, sử dụng động cơ diesel công suất 95 mã lực với hàng loạt các trang bị như hệ thống Start/Stop, low rolling-resistance tires (lốp cải thiện hiệu quả nhiên liệu bằng cách tối thiểu hoá năng lượng lãng phí khi lốp xe lăn trên đường). Tất cả các bản diesel đều có lượng khí thải CO2 dưới 100g/km, còn bản ECOnetic chỉ là 87g/km cùng mức tiêu thụ nhiên liệu 3,3 lít/100km.

Theo kế hoạch, những chiếc Fiesta Van sẽ đến tay khách hàng vào đầu tháng tới.

Hoàng Tùng (TTTĐ)

Audi đầu tư 17,1 tỷ USD để trở thành “vua” xe sang

06:18 | 28/12/2012 Bản in

Audi luôn khao khát trở thành nhà sản xuất xe sang lớn nhất thế giới và để hiện thực hoá điều này, thương hiệu bốn vòng tròn lồng vào nhau đã quyết định chi một khoản tiền kếch xù.

>> Audi lập kỷ lục doanh số

Cụ thể, Audi sẽ đầu tư 17,1 tỷ USD để phát triển đa dạng sản phẩm mới nhằm cạnh tranh với BMW và Mercedes-Benz. Gần 13,9 tỷ USD sẽ được dành phát triển những mẫu xe mới, trong khi đó gần 10,6 tỷ USD dùng cho các nhà máy của hãng ở Ingolstadt và Neckarsulm.


Audi và tham vọng xưng vương

Ngoài hai cơ sở trên, Audi sẽ mở rộng nhà máy lắp ráp ở Gyor (Hungary) và Foshan (Trung Quốc) cũng như khai trương một nhà máy mới tại San Jose Chiapa (Mexico).

Bên cạnh đầu tư vào sản xuất, Audi sẽ chú trọng tới phát triển nguồn lực để tạo nên các động cơ hiệu quả hơn, cải thiện mô-tơ điện và kỹ thuật vật liệu nhẹ.

Hà Linh (TTTĐ)

CALTY Design Reseach – “Chiếc nôi” thiết kế của Toyota

Cơ hội được đến thăm studio thiết kế ô tô luôn luôn là một trải nghiệm thú vị. Thường thường mọi thứ ở không gian bí mật như vậy có thể tiết lộ nhiều về phong cách và văn hóa làm việc.

>> Tokuo Fukuichi: Thiết kế xe giống như chơi bóng đá

Với thành tích tuyệt vời của studio nghiên cứu thiết kế Calty, California thuộc Toyota, từ Toyota Celica 1978 cho đến mô hình ý tưởng Lexus LF-LC 2012 thì việc được đến thăm địa điểm lừng danh đó quả là điều không đơn giản. Quay ngược trở về quá khứ lúc Calty vẫn còn được đặt tại El Segundo, vào thời điểm đó Toyota đi tiên phong như nhà sản xuất ô tô đầu tiên thành lập một studio thiết kế trên bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ. Hiện nay, ở đó có hàng tá các studio đại diện cho các nhà sản xuất của Đức, Hàn Quốc và Mỹ.

Kevin Hunter, một thành viên có thâm niêm 30 năm làm việc tại studio này và là chủ tịch từ năm 2007, giải thích khi ông bắt đầu chuyến hướng dẫn của mình: “Trong những ngày đầu, nơi đây hoạt động vô cùng mờ nhạt, chỉ dựa vào tập đoàn Toyota Nhật Bản. Calty làm việc dựa trên một triết lý Nhật Bản có thể dịch đại khái như ‘đi và nhìn nhận chính mình’ để mở rộng thương hiệu tại Mỹ”.

Chiếc xe mang tính đột phá đầu tiên cho studio là Celica 1978 thế hệ thứ hai. Trong cùng một năm, studio này đã chuyển đến cơ sở lớn hơn tại Newport Beach và sáng tạo ra những chiếc xe sản xuất quan trọng hơn nữa như Previa 1990, RAV4 2001, FJ Cruiser 2006, Scion xB 2008 và nội thất Lexus GS 2013.

Các mô hình chủ đạo trong cùng một thời kỳ như FXV 1979, FXV-2 1985 đều do Hunter tự phác thảo, đặc biệt RSC 2001 đã vượt qua Nissan Juke trong nhiều năm liền.

Hunter nhấn mạnh rằng các mô hình ý tưởng của Calty thường nhằm mục đích sản xuất thực sự, ví dụ như chiếc xe triển lãm FJ Cruiser 2003 đã trở thành mô hình sản xuất với một số thay đổi nhỏ. “Chúng tôi cố gắng duy trì ý tưởng thiết kế tiên tiến trong sản xuất”, ông cho biết, “các mô hình ý tưởng của chúng tôi không chỉ để giết thời gian”.

Tuyên bố đó được coi là tín hiệu tốt cho mô hình Lexus LF-LC 2012 có thể được đưa vào sản xuất. Hunter tiếp tục: “Với LF-LC, họ tin tưởng chúng tôi để quyết định nơi mà thương hiệu này nên đến. Đó là nơi Lexus không ngừng chuyển động và tượng trưng cho thay đổi đó. Chúng tôi không bao giờ xây dựng một chiếc xe ý tưởng chỉ để sản xuất một chiếc xe. Luôn luôn có một số tư duy chiến lược đằng sau nó”.


Kevin Hunter, một thành viên có thâm niêm 30 năm làm việc tại CALTY

Vào năm 2004, một studio Calty thứ hai mở tại Ann Arbor, Michigan tập trung vào các thiết kế sản xuất. Calty California vẫn lớn hơn với hai cơ sở tọa lạc trên diện tích gần 25.000 nghìn mét vuông và 65 nhân viên so với gần 10 nghìn mét vuông và 30 người làm công ăn lương tại Michigan. Và mặc dù Newport Beach tập trung vào nghiên cứu và thiết kế tiên tiến, Hunter nói rằng nó cũng quản lý một số màu sắc và trang trí sản phẩm.

Minh chứng cho màu sắc và trang trí là bức tường tuyệt vời “Lịch sử màu sắc ô tô” chào đón các du khách trong một hành lang tại sảnh studio. Mọi thập kỷ từ những năm 1950, các tài liệu về lắp đặt, sửa chữa phổ biến văn hóa thông qua những bức tranh cổ điển và bìa tạp chí Twiggy, JFK và The Beatles trong những năm 1960 cho đến Nixon và Star Trek The Motion Picture vào năm 1970 cùng hình ảnh của những chiếc xe mang tính biểu tượng ngày đó.


Một thiết kế đang làm việc với tác phẩm của mình

Được đặt bên cạnh các mẫu chất liệu và thẻ sơn màu, Coral Sand ’57 Ford và Topaz Gold Firemist ’68 GM xuất hiện như một chương trình truyền hình cũ của ti vi nhưng áp dụng khéo léo và tư duy với bối cảnh trang trí cùng màu sắc.

Đến một hành lang khác, những tham khảo về ô tô được tạm thời loại trừ khi chúng ta gặp một loạt các sản phẩm điêu khắc đẳng cấp được làm bởi các kỹ sư. Họ cung cấp nguồn cảm hứng tươi mới và không nghi ngờ về sự khéo léo trong cải thiện kỹ năng khi họ quay lại làm việc trên các hình thức phức tạp của các mô hình ý tưởng như LF-LC, một mô hình vẫn còn nằm trong phòng chờ đất sét cạnh các bản phác thảo phát triển cho nó.


Nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế

Như Hunter tiếp tục: “Chúng tôi vẫn sử dụng đất sét cho ngoại thất. Đối với các dự án, chúng tôi luôn luôn nhào nặn đất sét nhiều lần. Có một khoảng thời gian chờ đợi bạn cần tôn trọng. Chúng tôi hiếm khi thực hiện mô hình nội thất đầy đủ. Thông thường, chúng tôi sẽ quyết định trên dữ liệu 3D và sử dụng để chế tạo”.

CALTY Design Research (Toyota / Lexus / Scion)
- Thành lập: 1973
- Địa điểm:  Newport Beach, California / Ann Arbor, Michigan, USA
- Kích thước:  25.900m2 (Newport Beach) / 9.700m2 (Ann Arbor)
- Nhân viên: khoảng 100
- Lãnh đạo: Kevin Hunter

Ngọc Điệp (TTTĐ)

Những câu nói mọi ông chồng đều thích

Thứ năm 27/12/2012 10:10

Có những thời điểm trong cuộc sống vợ chồng, ông xã cần được bạn ghi nhận, nuông chiều, dù chỉ là bằng những lời nói rất giản đơn, nhưng với anh ấy lại vô cùng ý nghĩa.

Những câu nói mọi ông chồng đều thích

1. “Ăn tối nào!”

Bạn nói câu này trong bối cảnh chồng nằm dài trên ghế sau một ngày làm việc mệt mỏi, mắt vô thần dán vào màn hình TV còn mũi thì.. .nghếch lên hít hà mùi thơm bốc ra từ căn bếp ấm cúng lại càng ghi điểm. Đôi lúc hãy nuông chiều ông xã một chút. Con đường tốt nhất đến trái tim đàn ông là qua cái dạ dày, đặc biệt vào những khi anh ấy đói.

2. “Cứ để bát đấy em rửa cho”

Một kiểu chiều chồng khác rất “gặt điểm”. Nếu ông xã thường xuyên chia sẻ với bạn việc nhà, sẵn sàng dọn bàn ăn trong lúc bạn đang nấu hay không ngại rửa bát trong lúc bạn tắm cho con, điều đó có nghĩa anh ấy rất yêu thương vợ. Song đàn ông bản tính nhác việc nhà, mắt anh ấy sẽ “sáng như sao” nếu được nghe câu này cho dù ý định ban đầu của anh ấy là giúp vợ.

Ảnh minh họa

3. “Cảm ơn anh đã giúp em dạy con học”

Đàn ông luôn thích được ghi nhận, hãy tán dương anh ấy nhiều hơn, bày tỏ sự cảm kích khi anh ấy giúp được bạn chuyện gì. Đó là cơ sở động viên anh ấy tiếp tục cố gắng, vì câu nói này, anh ấy chắc chắn còn tiếp tục giành phần dạy con học để được bạn… cảm ơn lần nữa.

4. “Sao anh không tìm một buổi để tụ tập chiến hữu nhỉ?”

Cho dù bạn là một bà vợ biết quản lý chồng, cũng nên có những lúc cho anh ấy được tự do tụ tập bạn bè, dành thời gian riêng tư cho bản thân. Điều đó giúp chồng bạn tránh cảm giác ngột ngạt, bức bí trong hôn nhân.

Gợi ý thông minh này của bạn còn tạo ra cho hai người khoảng thời gian “nghỉ giữa hiệp”, không phải lúc nào cũng cần phải kè kè bên nhau, phải không nào?

5. “Bàn mát-xa đã chuẩn bị sẵn rồi anh yêu nhé”

Còn gì tuyệt vời hơn được tận hưởng dịch vụ spa tại nhà, lại do chính bàn tay mềm mại, yêu thương của vợ đảm nhận. Hãy vuốt ve, xoa bóp cho những bó cơ mệt mỏi của anh ấy được thả lỏng sau một ngày làm việc vất vả. Đây cũng có thể trở thành khúc dạo đầu lý tưởng cho một đêm hương lửa mặn nồng.

Ảnh minh họa

6. “Anh có ý nghĩa với em rất nhiều, và em rất tự hào vì những gì anh đã mang đến cho gia đình mình”

Đàn ông được ví như người mang bánh mì về cho gia đình, bởi anh ấy gánh trên vai trọng trách nuôi sống gia đình, bảo đảm cho vợ con có được một cuộc sống tốt nhất. Và nếu bạn cảm kích vì điều đó, hãy lên tiếng để động viên chồng, anh ấy sẽ có thêm sức mạnh.

7. “Kỹ năng của anh hoàn hảo!”

Câu nói này nên được dùng nhất khi hai người ở trên giường. Anh ấy đã tìm tòi sáng tạo đủ cách để bạn được hài lòng, hãy khẳng định “bản lĩnh đàn ông” của chồng, vuốt ve cái tôi của anh ấy như một cách đáp trả.

8. “Em đã quyết định không mua nữa rồi. Và anh cũng không phải đi mua sắm cùng em đâu”

Câu nói này luôn khiến các ông chồng mừng húm. Một là ví tiền của họ cuối cùng được bảo toàn, hai là thoát được cảnh vật vờ từ sáng tới chiều lẽo đẽo theo vợ xách đồ và méo mặt nghĩ cách đưa ra lời nhận xét cho mỗi món đồ vợ chọn mua.

9. “Anh thật khỏe”

Câu nói này giống như lời chứng nhận việc chàng đến phòng tập luyện mỗi ngày là không vô ích. Ý nghĩ có thể làm bạn thỏa mãn khiến chàng vui, và chẳng người đàn ông nào không tự hào khi biết mình có những búi cơ săn chắc, sức khỏe… phi thường để bảo vệ được cho người con gái mình yêu.

Dantri