Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Lúa vụ 3 không phải lựa chọn cuối cùng

ĐBSCL:

Lúa vụ 3 không phải lựa chọn cuối cùng

SGTT.VN - Lúa vụ 3 mang lợi tức khá hơn vụ hè thu, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiều dự án nhân danh lúa vụ ba và vì vị trí cường quốc lúa gạo, nhiều dự án đầu tư được đề xuất dù chưa được nghiên cứu kỹ.

Đâu là tính bền vững của lúa vụ ba trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: LHY

Ngày 25.12.2012, liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội thảo bàn tròn “Lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 ở ĐBSCL” tại TP Cần Thơ.

Đâu là tính bền vững khi canh tác lúa Thu Đông (lúa vụ 3) ở ĐBSCL đã trở thành đề tài trao đổi sôi nổi tại hội thảo. Tổng lợi ích thu được so với chi phí đầu tư và ý tưởng làm đê cao chống lũ triệt để… liệu sẽ đặt ĐBSCL vào thế “bất khả hổi” hay không?

TS Lê Anh Tuấn, chánh văn phòng viện Biến đổi khí hậu (DRAGON- đại học Cần Thơ) dẫn chứng, vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và Đồng Tháp Mười (ĐTM) có tác dụng trữ nước vào mùa lũ và điều tiết nước giúp cân bằng mặn, ngọt cho ĐBSCL khi lũ rút. Khi phát triển lúa vụ 3, hình thành hệ thống đê bao khép kín, có nghĩa là từ chối nước vào vùng TGLX và ĐTM. Như vậy, sẽ gây ngập các vùng khác, chẳng hạn, ở những làng mạc, tỉnh, thành phố bên ngoài khu vực đê bao khép kín và vùng hạ lưu, gây hư hỏng cơ sở hạ tầng ở những nơi đó, lượng phù sa và nguồn thủy sản cũng mất đi, đây là những thiệt hại mà chúng ta chưa tính toán được.

TS Dương Văn Ni, đại học Cần Thơ nhận xét: một dãy đất ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang được đào lên để nuôi tôm nhưng khi hỏi một nông dân “Sau con tôm sẽ là cái gì?” thì câu trả lời là “không biết”; hai vùng trũng trữ nước ở ĐBSCL là vùng ĐTM và TGLX cũng chọn giải pháp xây đê bao khép kín tăng lúa vụ 3. “Sau này chúng ta muốn quay lại liệu có được không?”, TS Ni trăn trở: “Liệu lựa chọn hiện nay của chúng ta có phải là lựa chọn cuối cùng?”

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và các hệ thống tự nhiên ở ĐBSCL: lợi ích của sản xuất lúa vụ 3 là có gạo phục vụ cho xuất khẩu, giúp Việt Nam giữ được ngôi vị nhất, nhì trong xuất khẩu, mang lại ngoại tệ. Tuy nhiên, khi xét 3 mặt: tài chính, môi trường và xã hội trong tình hình bối cảnh biến đổi khí hậu thì không nên xem việc trồng lúa vụ 3 là lựa chọn cuối cùng trong khi vẫn còn nhiều lựa chọn khác.

NGỌC BÍCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét