Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Mỗi năm đến mùa thì lo “sốt” vé tàu

Mỗi năm đến mùa thì lo “sốt” vé tàu

SGTT.VN - “Hiện ngành đường sắt đang có dự án bán vé điện tử, đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Chúng tôi hy vọng tết sang năm hệ thống này sẽ hoạt động”. Ông Nguyễn Hữu Tuyên, trưởng ban Kinh doanh vận tải thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị về dự kiến “cải tiến” của ngành này.

Người dân “chen chân” mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn ngày 20.12.2012. Ảnh: Thanh Hảo

Tuy nhiên, đó là tương lai, còn thực tại với những gì ngành đường sắt thực hiện vẫn để nguyên bức xúc cho khách hàng!

“Lúc cao điểm không được bán vé qua đại lý”

Thưa ông, chuyện người dân khốn khổ may ra mới mua được vé tàu tết đã xảy ra từ nhiều năm nay, ông lý giải sao về tình trạng này?

Thật ra đó là vì hành khách chỉ tập trung đi tàu vào một số ngày giáp tết thôi, từ 22 – 26 tháng chạp, mà trong những ngày đó thì có bao nhiêu vé ngành đường sắt bán hết cả, chúng tôi đã sử dụng hết công suất rồi. Cả khi kéo dài thời gian chạy tàu, tổ chức chạy tàu sớm thì cũng không ai đi. Thực tế hiện giờ vé chiều Sài Gòn ra các ngày 20, 21 tháng chạp vẫn còn nhiều.

Mật độ chạy tàu trong những ngày này không thể tăng được nữa, do đường sắt chúng ta vẫn là đường đơn nên mật độ chạy tàu hiện nay là quá căng rồi. Thứ hai, phương tiện toa xe không còn. Ngày bình thường, chúng tôi chỉ chạy năm đôi tàu khách thống nhất nhưng cao điểm tết huy động từ 13 – 15 đôi, tức là tăng ít nhất 2,5 lần. Giờ nếu đóng thêm toa xe thì bình thường xe nằm không, sao khấu hao được, rất lãng phí. Thêm nữa, tăng chuyến một chiều như với vận tải ôtô, họ có thể phụ thu, tăng giá vé một chiều để bù cho chiều rỗng khách nhưng ngành đường sắt thì không thể, vì là doanh nghiệp lớn của Nhà nước nên phải đảm bảo chính sách bình ổn giá cả.

Vấn đề ở đây là người dân bức xúc vì ngành chỉ bán vé trong một thời gian ngắn, lại không huy động hết các kênh phân phối, như việc mở bán qua đại lý quá chậm, khi vé ngày cao điểm đã hết. Vậy tại sao không mở rộng các kênh bán vé, như bán qua đại lý sớm hơn?

Năm nay ngành đường sắt chủ trương trong đợt cao điểm thì không cho bán vé qua đại lý vì năm ngoái như báo chí phản ánh có tình trạng người dân đến ga mua không được vé, trong khi mua ở đại lý thì giá cao. Tức là có hiện tượng đầu cơ, găm vé. Vì vậy đối với công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, năm nay chúng tôi không chủ trương bán vé đợt cao điểm qua đại lý nhằm tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá vé.

Nhưng rõ ràng việc bó hẹp các hình thức bán vé đã dẫn đến tình trạng bán vé qua website và qua phát số thứ tự tại ga đều “nghẽn”, quá tải khiến người dân vô cùng vất vả và bức xúc?

Bán qua website thì đúng là ngày đầu nghẽn, do lượng người truy cập quá đông bởi tâm lý ai cũng muốn mua được vé đúng ngày mình cần đi. Hai là do hacker phá, nhưng sau đó đã được khắc phục ngay.

Theo các kỹ sư công nghệ thông tin, mấu chốt của sự trục trặc khi bán vé qua website là: bán vé cho hàng trăm ngàn hành khách trong khi ngành đường sắt lại dùng đường truyền có dung lượng như mạng chỉ dùng cho... nội bộ. Vậy không tắc mới lạ?

Đúng là ngành đường sắt đang thử nghiệm bán vé qua mạng… chỉ vài năm nay nên đường truyền đang phải đi thuê của Vietinbank chứ không phải của ngành đường sắt. Song, chúng tôi đã rút kinh nghiệm là thuê đường truyền lớn hơn so với năm ngoái. Cũng nói thật là cùng lúc mà có hàng trăm ngàn người truy cập vào thì kiểu gì cũng nghẽn.

Vậy dung lượng server năm nay so với năm ngoái được nâng cấp lên có nhiều không?

Cái này thì công ty Khách Sài Gòn chủ trì (ông Tuyên lật tìm tài liệu… nhưng không thấy trong báo cáo số liệu này).

Việc nghẽn mạng không phải là năm đầu tiên xảy ra, nhưng vì sao ngành vẫn không khắc phục?

Ngành đã hình dung được rồi, cho nên đã loại được 100.000 tài khoản ảo, đưa vào diện “quản lý đặc biệt” gần 28.000 tài khoản có nghi vấn đầu cơ. Và thực tế ngành đã làm việc với Vietinbank để thuê server lớn hơn.

Năm 2013 sẽ bán vé điện tử

Trở lại câu chuyện bán vé qua đại lý, ông nói không chủ trương bán vé qua đại lý trong dịp cao điểm đối với công ty Khách Sài Gòn, vậy nhưng trong thông cáo của bộ Giao thông vận tải ngày 14.12 có nói: sau sự cố nghẽn mạng ở công ty này ngày 10.12, ngày 11.12 bộ đã chỉ đạo mở rộng bán vé qua cả đại lý?

Việc bán vé qua đại lý đối với vé đi các ngày cao điểm chỉ được thực hiện ở công ty Khách Hà Nội. Còn công ty Khách Sài Gòn, khi làm việc với đại lý thì dù đại lý vẫn muốn bán song chúng tôi nói rằng, do năm ngoái có đầu cơ nên năm nay chúng tôi không đồng ý vì nếu tiếp diễn đầu cơ sẽ gây tiếng xấu cho ngành đường sắt. Cho nên chỉ cho bán qua đại lý đối với vé trước, sau đợt cao điểm, còn vé đi trong gần một tuần cao điểm giáp tết thì không được.

Trước đây khi chưa bán qua đại lý, ngành hàng không cũng trong tình cảnh như ngành đường sắt bây giờ, nhưng sau khi hàng không bán vé qua đại lý thì đã không còn. Sao ngành đường sắt không học hỏi kinh nghiệm của hàng không?

Mình đã học, nghiên cứu kinh nghiệm của họ rất nhiều, song đường sắt và hàng không có đặc thù hoàn toàn khác nhau. Về đối tượng, hàng không có hành khách cao cấp hơn, còn hành khách đi tàu chủ yếu là bình dân, người ít tiền, thậm chí người một năm về một lần. Thứ hai, hàng không chỉ đi ga đầu cuối, với hai loại ghế cơ bản là VIP và phổ thông; còn đường sắt thì qua nhiều ga, giường cũng nhiều loại như khoang 4, khoang 6 giường tầng 1, tầng 2, giường cứng, giường mềm… Ghế cũng có ghế điều hoà và không điều hoà, nên bán vé của ngành đường sắt phức tạp hơn nhiều.

Đường sắt giống bóng đá vậy, cứ có Sea games là sốt vé. Bản chất ở đây là cung lệch cầu quá lớn trong một thời điểm ngắn nên khó giải quyết.

Nói vậy chẳng lẽ không có cách nào sao?

Hiện ngành đang có dự án bán vé điện tử, đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Dự kiến sẽ làm cùng một đối tác khác có đường truyền lớn hơn nhiều. Chúng tôi hy vọng tết sang năm hệ thống này sẽ hoạt động.

Chí Hiếu (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét