Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Kiểm toán Nhà nước có “giơ cao đánh khẽ”?

Kiểm toán Nhà nước có “giơ cao đánh khẽ”?

SGTT.VN - Sáng 21.12, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2013.

Theo phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, trọng tâm công tác kiểm toán năm 2013 là công quản lý và sử dụng đất đai, bất động sản, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên kinh doanh khoáng sản. Ông Khái cũng nhận định "năm 2012 là năm mà Kiểm toán Nhà nước đã làm rất kiên quyết, cũng là năm có số vụ chuyển cơ quan điều tra nhiều nhất, với bốn vụ”.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước “giơ cao đánh khẽ", dự thảo kết luận thì “đao to búa lớn” nhưng kết luận lại nhẹ đi rất nhiều. Phản bác lại nhận định này, ông Khái đề nghị “nhận định này phải hết sức thận trọng”. Dẫu vậy, ông cũng thừa nhận đối với kiểm toán một số tổng công ty nhà nước, dù có làm (kiểm toán) nhưng “có thể do chưa quan tâm, đánh giá hết tình hình. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức được quan tâm và sẽ làm kỹ trong kế hoạch trung hạn trong ba năm tới thì Kiểm toán Nhà nước sẽ “quét” hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chứ những lần trước có khi là “lỗi hệ thống” trong lập kế hoạch. Ông Khái ví dụ: như với kế hoạch kiểm toán các ngân hàng thương mại tới đây sẽ đi sâu vào kiểm tra việc thực hiện chính sách tiền tệ, tuân thủ pháp luật liên quan đến vốn và tài sản nhà nước… và ông trấn an: “Bức tranh tới đây sẽ sáng hơn nhiều”!

Phó chủ nhiệm ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đặng Dũng cũng nói rằng, ông có nghe được nhận xét tương tự từ các Đại biểu Quốc hội. “Khi tôi trực tiếp đi nghe dự thảo kết luận kiểm toán thì đúng là “đao to búa lớn”, vì theo luật định thì chỉ có đúng luật hay không đúng luật, mà không đúng luật tức vi phạm luật thì rõ ràng nghe rất nặng nề. Nhưng sau đó trao đổi lại, trong hoàn cảnh cụ thể, mức độ vi phạm luật ở đâu, tình tiết nào, sau khi phân tích thấy nghe cũng…có tình có lí, có sức thuyết phục chứ không phải có tình trạng giơ cao đánh khẽ”, ông Dũng giải thích.

Liên quan đến câu hỏi của báo giới về vấn chuyển giá của các tập đoàn có vốn nước ngoài, phó tổng kiểm toán thừa nhận đây là “nội dung phức tạp”. “Như nước Anh, Úc, họ có nền tài chính, hệ thống pháp luật như thế mà còn để sót thuế Thu nhập doanh nghiệp do hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Thêm đó, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là các đối tượng có sử dụng vốn, tài sản ngân sách Nhà nước như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vì vậy, muốn kiểm tra được các tập đoàn nước ngoài thì ông Khái cho rằng cần tăng thêm chức năng, địa vị cho Kiểm toán Nhà nước”, ông Khái nói.

Vậy theo kế hoạch 2013 sẽ kiểm toán trọng tâm vấn đề đất đai, bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, song các vấn đề này lại liên quan đến nhiều doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước, thế thì các đơn vị này có bị kiểm toán để phản ánh đầy đủ thực trạng? - Trả lời câu hỏi này, ông Khái khẳng định kiểm toán sẽ tham gia ngay cả với doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp Nhà nước. “Vì với lĩnh vực quản lý đất đai gắn với quản lý đô thị thì phải kiểm tra từ quy hoạch, thực hiện quy hoạch, giao đất, xây hạ tầng, bán sản phẩm… nói như riêng giao đất, giao cho ai, dù giao nhà nước, tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn…mà nếu giao không đúng thì chúng tôi có ý kiến. Trong chuỗi quy trình này, đối tượng nào sử dụng tài sản nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước đều tham gia mới có thể công bằng được”, ông Khái giải thích.

Chí Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét