Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Năm 2013: ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý nợ xấu

Năm 2013: ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý nợ xấu

SGTT.VN - Đó là những nhiệm vụ chủ chốt của ngành ngân hàng trong năm 2013 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tại cuộc họp báo tổ chức hôm 27.12, tại Hà Nội. Năm 2013, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 12%.

Tăng trưởng tín dụng đạt chưa đầy một nửa mục tiêu

Nợ xấu đang nằm nhiều trong các công trình xây dựng, bất động sản 

Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết, năm 2012, tổng phương tiện thanh toán cả năm tăng khoảng 20%; tín dụng tăng khoảng 7%; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm từ 3 – 6%; lãi suất cho vay giảm 5 – 9% so với cuối năm 2011 và đã cơ bản trở về mức lãi suất cuối năm 2007. Tính đến 20.12, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 6,45% so với cuối năm 2011, trong đó tín dụng bằng VND tăng 8,29%; tín dụng ngoại tệ giảm 3,51%. Như vậy, kết quả này chỉ đạt chưa đầy một nửa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra hồi đầu năm 2012.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng nói chung, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm so với cuối năm 2011. Dư nợ cho vay VND có mức lãi suất trên 15% chiếm tỷ trọng 18,7%, giảm so với mức 65% trước ngày 15.7.2012; đến cuối tháng 9, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng số 252.159 tỷ đồng.

Thanh khoản của hệ thống TCTD được cải thiện, số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm xuống mức khoảng 95%; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh từ 10 – 11% so với cuối năm 2011.

Tuy nhiên, vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ cũng thừa nhận, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và hoạt đông ngân hàng còn một số vấn đề:tăng tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn song nợ xấu gia tăng, thanh khoản của toàn hệ thống các TCTD đã được cải thiện, song còn một số NHTM cổ phần còn khó khăn; một số TCTD chưa chấp hành nghiêm các quy định lãi suất huy động tối đa của NHNN.

Năm 2013, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng với các TCTD với chỉ tiêu định hướng cả năm không quá 12%, trong đó vẫn tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tốc độ tăng nợ xấu giảm từ 8 – 9% xuống còn 3% mỗi tháng

Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Vũ Quang Huy, cho biết, tính đến 21.12.2012, tỷ giá mua trung bình của các ngân hàng thương mại giảm 0,96% so với cuối năm 2011, tình trạng đô la hóa đã từng bước được đẩy lùi, biểu hiện: tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán là 13,2%, thấp hơn mức 15,8% cuối năm 2011; đến cuối năm 2012, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi tiền gửi VND của dân cư tăng 36%.

Ông Huy cũng cho biết, NHNN đang tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng, theo đó sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 TCTD đáp ứng đủ điều kiện, dự kiến sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng ở 63 tỉnh, thành phố. “Từ ngày 10.1.2013, các doanh nghiệp, TCTD không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”, ông Huy nhấn mạnh.

Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, cho biết, ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã nhận định trong hệ thống có 9 NHTM cổ phần cần ưu tiên xử lý ngay. Cho đến nay, 3 NH được hợp nhất, 2 NH được sáp nhập, 2 NH được tái cơ cấu, 1 NH được hợp nhất với một NH khác. Các NHTM Nhà nước cũng đã lựa chọn các phương án tái cấu trúc, tiếp tục cổ phần hóa. Ngay cả các NH liên doanh cũng được xem xét để có phương án xử lý.

Để xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành một loạt văn bản hướng dẫn các biện pháp xử lý nợ xấu, như tăng dự phòng rủi ro; cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu; cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ, kiềm chế gia tăng nợ xấu, giảm thiểu tác động nợ xấu; mua bán nợ xấu...

Ngày 26.12, NHNN đã trình Chính phủ đề án tổng thể về xử lý nợ xấu và đề án thành lập công ty Quản lý tài sản Việt Nam nhằm đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu. Nhờ vậy, đến nay tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần, từ mức tăng 8 – 9% mỗi tháng trong 4 tháng đầu năm xuống còn khoảng 3%/tháng hiện nay. Đến tháng 12.2012, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro 78.600 tỷ đồng và đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập này.

Xử lý nợ cấu: “cái khó bó cái khôn”

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho rằng, năm 2012, các cân đối vĩ mô đã dần được thiết lập, biểu hiện như tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, tín dụng tăng thấp, chỉ đạt khoảng 7% cả năm nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 5% - cho thấy đồng vốn dần được sử dụng hiệu quả... Trong cơ cấu tín dụng, trước đây đổ vào lĩnh vực phi sản xuất rất lớn, nhưng năm qua, chủ yếu đi vào các khu vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu... Nhiệm vụ 2013, Thống đốc cho biết vẫn tiếp tục tập trung ổn định vĩ mô; tháo gỡ khó khăn của DN và xử lý nợ xấu trong hệ thống.

Phóng viên Sài gòn Tiếp thị câu hỏi: “Công tác xử lý nợ xấu được đánh giá là chậm, càng khiến cho nhiệm vụ này trở nên khó khăn vì nợ xấu không mất đi mà ngày một gia tăng. Nguồn để xử lý nợ xấu từ dự phòng rủi ro, cũng không thể lấy từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, mà phải là nguồn vốn mới. NHNN làm thế nào để thuyết phục Chính phủ, các nhà đầu tư bỏ tiền ra để xử lý nợ xấu?”.

Thống đốc thừa nhận, công tác xử lý nợ xấu của chúng ta thời gian qua cũng có phần chậm, do vấn đề nguồn lực – “cái khó bó cái khôn”. Tuy nhiên, trong điều kiện của chúng ta, việc xử lý như vậy là quá quyết liệt. Chẳng hạn như đã cơ cấu hơn 250.000 tỷ đồng – tương ứng 8% dư nợ tín dụng của các NH. Hay như việc chỉ đạo các NHTM phải dùng dự phòng rủi ro, lợi nhuận để xử lý nợ xấu, năm nay, các NHTM không có NH nào tuyên bố “lãi khủng”, thậm chí còn phải xa thải nhân viên.

“Hệ thống NH đã gồng mình xử lý nợ xấu”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, nợ xấu là của cả nền kinh tế, nên chỉ NH không làm được. “Nợ xấu phần lớn do các ông doanh nghiệp, nên ai quản lý ông doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Hay bất động sản vừa qua quá nóng, thì cũng phải xử lý bất động sản”, ông nói.

Liên quan đến đề xuất dành 20.000 – 40.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm để hỗ trợ cho vay mua nhà, Thống đốc khẳng định sẽ dùng nguồn tiền từ NHNN.

Sau các quyết định giảm một loạt lãi suất chủ chốt mới đây, Thống đốc cho biết sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến chỉ số giá cả, thị trương để tiếp tục đưa ra những điều chỉnh kịp thời về lãi suất huy động và cho vay.

Thảo Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét