Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Kỳ án vườn mít: còn đó những món nợ

Kỳ án vườn mít: còn đó những món nợ
SGTT.VN - “Cái ác cần phải bị nghiêm trị để công lý được thực thi và công bằng về với người bị hại. Hình ảnh vợ chồng ông Điểu Cẩn, cha mẹ của cháu Thị Út vạ vật ở sân toà, trệu trạo nhai cơm khiến ai cũng phải day dứt. Vụ án kéo dài tám năm, một tháng, 22 ngày là quãng thời gian nỗi đau mất con không thể nguôi ngoai”. Vị đại diện viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, trong phần luận tội đã nói như trải lòng.
Khi nỗi đau chưa qua, khi sự thật còn chưa tường minh thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải lửng lơ với những món nợ!
Nợ cái chết oan
Bị cáo Lê Bá Mai tại phiên tòa 
Trời Đồng Xoài hừng sáng vẫn chưa thôi lạnh. Vợ chồng ông Điểu Cẩn trông tiều tuỵ, khắc khổ gạt chống xe máy, nhanh chân bước ra sân toà, phơi mình trong khoảnh nắng yếu ớt cuối năm... Như bao lần xử trước, lần xét xử này, tên đứa con gái bé bỏng Thị Út của vợ chồng ông sẽ được người ta nhắc đến rất nhiều. Những câu hỏi của hội đồng xét xử, công tố viên, luật sư kéo cái ngày kinh hoàng với gia đình ông trở về như những thước phim buồn.
Đó là ngày 12.11.2004, tại khu vực vườn mít, thuộc trang trại gần nhà ông, người ta phát hiện một xác chết bé gái khoảng 12 tuổi. Nạn nhân được xác định bị giết trước đó khoảng năm ngày, trùng thời điểm ông Điểu Cẩn báo con gái Thị Út mất tích với công an xã.
Đến hiện trường nhận dạng, đất trời như sụp dưới chân, khi đôi bông tai bằng vàng quen thuộc ông mua cho con vẫn lấp lánh trên đôi tai nhỏ. Bàn tay Út vẫn đeo chiếc nhẫn giả, loại đồ chơi trẻ con cháu tự kiếm, rồi chiều cao, rồi hình thể đứa con vợ chồng ông rứt ruột đẻ ra… quen thuộc đến nỗi trả lời câu hỏi của vị chủ toạ, ông đáp rành mạch, dù vốn liếng tiếng Việt không phải sở trường.
Hơn tám năm với nhiều cấp toà, hàng chục lần xét xử, hồ sơ trả tới trả lui… các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thể trả lời chính xác ai là hung thủ tàn độc? Những lần bị cáo Lê Bá Mai bị tuyên tử hình, ông nghĩ là Mai làm. Những lần Mai được trả hồ sơ, tuyên vô tội ông lại chờ toà tìm giúp kẻ đã giết con mình.
Vì vậy, tại phiên toà ngày 3.1, khi nghe TAND tỉnh Bình Phước tuyên Lê Bá Mai có tội hiếp dâm và giết Út với bản án phạt tù chung thân, ông Điểu Cẩn tâm sự rằng “chỉ cần có kẻ chịu trách nhiệm với cái chết của con ông thì tử hình hay chung thân không còn quan trọng nữa. Gia đình ông sẽ không kháng cáo”.
Nhưng, nếu hung thủ không phải là Lê Bá Mai thì liệu bất cứ hình phạt nào đối với bị cáo này có đem lại cho cháu bé Thị Út sự công bằng?
Đáp số nào cho “bài toán công lý”?
Với bất kỳ một bị cáo nào, hành vi hiếp dâm trẻ em và giết người phải bị trả giá bằng chính mạng sống của người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu là hung thủ của vụ án tàn độc kể trên, Lê Bá Mai cũng thế. Tuy nhiên, khi chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục, lỏng lẻo thì “thà tha lầm còn hơn tuyên án oan người vô tội”. Đó là nguyên tắc của tố tụng văn minh.
Trở lại với phiên toà sơ thẩm lần 3, ngày 3.1 của TAND tỉnh Bình Phước, hội đồng xét xử nhận định Lê Bá Mai có tội và tuyên bị cáo này mức phạt tù chung thân. Hai tội mà toà cho rằng Mai phạm pháp đều có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Như vậy, nếu tuyên mức án thấp hơn, công lý đã không được bảo vệ một cách trọn vẹn.
Toà viện dẫn vụ án xảy ra đã lâu, bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, mặc dù quá trình điều tra có thiếu sót nhưng những thiếu sót đó không ảnh hưởng đến bản chất vụ án… Cuối cùng thì “giải pháp trung dung” có tội nhưng chưa đến mức loại bị cáo ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn đã được chọn lựa, thay cho nghiêng hẳn về một bên có tội hay vô tội.
Ông Lê Bá Triệu, cha bị cáo Lê Bá Mai cho biết sẽ cùng con trai mình kháng cáo để được minh oan.
Chừng nào những câu hỏi của vụ án còn chưa sáng tỏ như: Lê Bá Mai hiếp dâm sao không để lại tinh dịch, tinh trùng trong người nạn nhân? Tại sao nhân chứng Thị Hằng lúc khai thấy một thanh niên, sau lại khai là Mai? Tại sao bản vẽ hiện trường của Mai (không có hướng ra xác chết) và điều tra viên khác nhau?... thì có lẽ món nợ của cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thể trả theo đúng chức trách của mình.
Đó là món nợ với tính nghiêm minh của pháp luật khi hành vi có tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng bản án chưa tương xứng, với bị cáo bị kết án mà thiếu chứng cứ thuyết phục và quan trọng hơn hết là với nạn nhân chết oan.
Thanh Nhã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét