Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Khác nhau ở chuyện sĩ diện

Chuyện đêm nay

Khác nhau ở chuyện sĩ diện

SGTT.VN - Một lần nữa bóng đá lại đi trước nhiều bộ môn, doanh nghiệp khác về chuyện bỏ qua sĩ diện của mình, chấp nhận nhường quyền điều hành lại cho người khác sau khi nhận thấy mình làm chưa tốt. Chí ít, đó là tín hiệu vui đầu năm mới sau một năm bóng đá Việt be bét, nhìn đâu cũng toàn thấy sai sót nhưng người có trách nhiệm xin lỗi để tại vị, hoặc thậm chí không buồn xin lỗi.

VPF hy vọng với chuyên gia điều hành đến từ Nhật Bản, các khán đài mênh mông thế này sẽ được lấp trống. Ảnh: Tất Đạt

Theo ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch VPF thì ngay sau tết dương lịch này, VPF sẽ xúc tiến ký kết hợp đồng với một vị chuyên gia người Nhật, ông Kazuyoshi Tanabe, với chức danh phó giám đốc phụ trách điều hành các giải bóng đá quốc nội thay cho các quan chức Việt Nam đang tồn tại ở bộ máy VPF. Không cần nói nhiều ai cũng đã rõ, bóng đá Việt Nam đang đến hồi thoái trào và lộ rõ những “vết nứt” chết người ngay dưới chân tường. Đó là việc các ông bầu đến với bóng đá vì những lợi ích ngoài sân cỏ, nói một cách dễ hiểu là không ít người “chơi” bóng đá thay vì làm bóng đá như cách bầu Thuỵ ở Sài Gòn Xuân Thành đã thừa nhận. Điều này kéo theo những hệ luỵ ghê gớm khi bong bóng bị vỡ. Hàng loạt cầu thủ phải ra đường vì các câu lạc bộ thay phiên nhau giải thể. Những câu lạc bộ còn tồn tại đều phải thắt lưng buộc bụng do vẫn quen dùng nguồn tiền từ túi các ông bầu thay vì xuất phát từ tiền tài trợ, quảng cáo, bán vé…

Cũng theo thông tin mới nhất, hiện các nhà tài trợ ở các giải đấu ngoài V-League như giải hạng nhất, cúp quốc gia đều đã đồng loạt rút lui trước khi mùa bóng 2013 khởi tranh. Một lần nữa Eximbank của phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng đã phải ra tay “tế độ”. Theo ông Phạm Phú Hoà, phó tổng giám đốc VPF, ở mùa bóng 2013 Eximbank sẽ tài trợ cho cả ba giải đấu, ngoài giải V-League còn nằm trong gói hợp đồng đã ký trước đó, ngân hàng của ông phó chủ tịch VFF kiêm VPF sẽ tài trợ thêm 8,8 tỉ đồng cho hai giải hạng nhất và cúp quốc gia.

Muốn thay đổi bộ mặt của giải đấu, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy điều hành, tìm ra những phương pháp để mang lại nguồn thu minh bạch và dài lâu hơn, thay vì trông chờ vào mối quan hệ đem lại phần trăm hoa hồng, hoặc lòng hảo tâm như từ bấy lâu nay. Đó là mục tiêu chính mà VPF muốn ông Kazuyoshi Tanabe làm được, điều mà những ông bầu hoặc các quan chức từ VFF chuyển sang VPF một năm rồi vẫn chưa làm ổn. Nói như bầu Thắng thì ông muốn học cách “biến J-League thành nơi hái ra tiền của người Nhật”.

Nghĩa là, VPF sẽ không ngại chuyện học hỏi và lắng nghe từ một khách lạ, thậm chí VPF còn có ý định tận dụng chất xám của ông Kazuyoshi Tanabe bằng cách đưa ông Kazuyoshi Tanabe đến tận các câu lạc bộ, để hướng dẫn họ cách làm bóng đá theo trường phái kinh doanh chứ không chỉ làm theo khẩu hiệu “đá cho dân sướng”, “đá vì nhân dân” như bấy lâu nay.

Tuy nhiên, VPF dám gạt bỏ sĩ diện của mình để chấp nhận học không đồng nghĩa với chuyện các bên liên quan còn lại sẽ chấp nhận điều ấy. Chẳng nói đâu xa, ở VFF bây giờ có mấy quan chức, người thì xuất thân từ bóng rổ, người là tiến sĩ ngôn ngữ, người từ ngành ngân hàng, vàng bạc… để một người cấp dưới góp ý thêm về việc điều hành, chắc cũng không dễ nghe và ưng cái bụng cho lắm. Hơn nữa, việc vừa phải đón nhận những thất bại do cách điều hành của mình trong năm 2012, giờ thay đổi mà thành công khác nào tự thừa nhận người ta nói mình kém, nên từ chức là đúng.

Cứ nhìn giám đốc kỹ thuật Rainer Willfeld, người đã từng được cử sang theo chương trình hợp tác giữa Đức và Việt Nam bị bỏ phế thế nào trong bốn năm làm việc ở VFF thì rõ. Ngoài chuyện các huấn luyện viên Việt Nam thích thú được theo học lớp nghiệp vụ của ông thầy có bằng huấn luyện cao cấp nhất của Đức (Fussball Lehrer), VFF chưa từng giao cho ông nhiệm vụ quan trọng nào. Để rồi, ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, khi chia tay về lại quê nhà, ông đã tặng lại cho VFF một kho sách, băng ghi hình biếu không cho VFF giờ chẳng biết về đâu...

Thôi thì cứ trông chờ vào việc, biết đâu ở VPF sẽ làm nên chuyện trước, nhờ đó VFF cũng thay đổi theo. Cứ phải tin và hy vọng ở đầu năm mới cái đã!

Thảo Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét