Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Cuộc chiến của cha và con

Trời kêu không dạ

Cuộc chiến của cha và con

SGTT.VN - Số phận đã không mỉm cười với bác sĩ Vũ Hoàng Ánh (trung tâm giải phẫu bệnh, bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội) khi gần như cùng lúc anh biết mình bị ung thư gan và cô con gái duy nhất bị suy tuỷ. Đứng trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhưng tám năm qua, anh Ánh từng ngày từng giờ vẫn sống hết mình cho gia đình và công việc.

Cha con cùng ngã bệnh

BS Ánh và con gái – bé Anh Thư.

Gặp bác sĩ Ánh tại trung tâm giải phẫu bệnh, tôi không tin anh mới 41 tuổi. Thân hình gầy gò, da sạm, đôi môi nhợt nhạt, tám năm bị bệnh tật giày vò đã khiến anh già đi như thế.

32 tuổi, anh Ánh đột ngột phát hiện bị ung thư gan. Có tiền sử viêm gan B, nhưng vì không hút thuốc, không uống rượu nên tin này như sét đánh đối với anh. Điều này vẫn chưa khiến anh quyết định bảo lưu kết quả cao học năm đầu tiên, cho đến thời điểm tháng sau, cô con gái mới 18 tháng của anh bị phát hiện suy tuỷ. Cả hai bố con đều mắc bệnh nặng, anh không gượng được để tiếp tục việc học nữa.

Năm đầu tiên bị bệnh, anh giấu vợ con. Vợ chồng bén duyên chưa đầy ba năm, lại thêm bố mẹ vợ anh lúc đó người thì tai biến, người ung thư bàng quang và bị phổi tắc nghẽn mãn tính. Gánh nặng trên vai người vợ trẻ đã quá lớn, anh không nỡ chất thêm lên đó những vất vả, ưu phiền. Phải hơn một năm sau, sự thật mới dần được hé lộ. Đó cũng là lúc bệnh tái phát, kết quả của lần nút động mạch gan không còn hiệu quả, anh cả nghĩ lỡ có vấn đề gì, vợ anh sẽ trách.

Chín lần nút mạch động mạch gan, năm lần đốt sóng cao tần và một lần phẫu thuật, nhưng giữa những ngày đấu tranh với bệnh tật, bác sĩ Ánh vẫn xin ban giám đốc trung tâm giải phẫu bệnh cho anh làm việc như bình thường. Không hề ngần ngại, trung tâm đã giao cho anh vị trí trưởng phòng đọc kết quả giải phẫu và phụ trách mảng đào tạo. Bác sĩ Bùi Mạnh Thắng, phó giám đốc trung tâm khẳng định: “Với vốn ngoại ngữ khá, bác sĩ Ánh luôn cập nhật được những thông tin chuyên môn mới. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ở chuyên môn vững vàng của bác sĩ Ánh. Theo sự đồng ý của ban giám đốc, anh chỉ làm nửa ngày ở cơ quan, nhưng hiệu quả làm việc không kém người làm cả ngày”.

Lần lượt những tài liệu dạy học mà anh cùng mọi người dịch và biên soạn ra đời: các cuốn Kỹ thuật dành cho giải phẫu bệnh, Chẩn đoán tế bào học và Chẩn đoán mô bệnh học. Là người hàng ngày trực tiếp làm công tác đào tạo nên anh biết sinh viên còn thiếu giáo trình học nào, cần những mảng kiến thức nào. Anh bảo: “Mình tập trung quỹ thời gian ít ỏi của mình để soạn những tài liệu thiết thực nhất cho sinh viên chuyên ngành này”. Những năm đầu mới phát hiện bệnh, anh còn khoẻ nên làm được nhiều. Giờ thì nhiều khi anh không tự mình chạy xe máy đi làm được, dù nhà chỉ cách cơ quan hơn cây số, và cũng không thể thức đến 2 – 3 giờ sáng dịch tài liệu như trước.

Trút hết hy vọng vào con

Bé Anh Thư hàng tháng vẫn phải lên khoa huyết học (bệnh viện Nhi trung ương) truyền máu. Cơ thể bé không thể tự sinh ra tế bào máu mới nên buộc phải sống dựa vào máu của người khác. Giải pháp duy nhất để chữa bệnh này là ghép tuỷ. Sau nhiều năm đắn đo, anh Ánh mới dám quyết định sinh thêm lần nữa. Bởi đứa con đầu tiên mắc bệnh máu như thế, anh không biết lần thứ hai sẽ ra sao. Nếu không may, vợ anh sẽ thêm một gánh nặng trong suốt cuộc đời sau này. Ông trời có lẽ thương vợ chồng anh nên cháu Vũ Quang Hà, con trai anh chị nay đã gần hai tuổi và hoàn toàn khoẻ mạnh. Cuống rốn của bé Hà đã được lưu tại ngân hàng máu, dành sau này ghép cho chị Thư. Nhưng vì lượng tế bào gốc dự trữ trong cuống rốn không đủ nên sẽ phải chờ bé Hà nặng lên 15kg để lấy thêm tuỷ ghép cho chị.

Anh Ánh vừa trở về từ Singapore – chuyến đi mang theo hy vọng có thể tiếp tục điều trị bệnh bằng phương pháp nút hạt phóng xạ. Thế nhưng, các bác sĩ nước này đã bó tay. Phương án cuối cùng là ghép gan cũng không thể làm được, bởi tại tĩnh mạch gan của anh đã có các khối huyết động, nếu ghép thì tế bào ác tính sẽ theo máu di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Tôi đã không thể không hỏi anh: “Tám năm qua, anh đã cố gắng rất nhiều để có thể để lại gì đó cho cuộc đời. Vậy, điều anh mong ước nhất cho đến lúc này là gì?” Anh trả lời: “Con gái tôi sẽ được ghép tuỷ trước khi tôi phải giã biệt nó mãi mãi”.

Nắm bàn tay anh Ánh, tôi thấy nó thật ấm áp. Sự ấm áp ấy còn toả ra từ đôi mắt anh, dù rằng khoé mắt đầy ắp nỗi lo, đôi môi đã bợt bạt. Tôi chỉ còn biết chúc cho anh trụ được đến ngày mong ước của anh thành hiện thực. Rằng bé Anh Thư sớm được ghép tuỷ, khỏi bệnh. Và hai con anh sẽ lớn lên khoẻ mạnh, yêu thương, đùm bọc nhau, phần nào bù đắp cho nỗi mất mát mà người vợ thân yêu phải chịu đựng.

bài và ảnh: Gia Bảo

PGS.TS.BS Mai Trọng Khoa, phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai; giám đốc trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai:

Theo nếp sống lành, chủ động khám bệnh định kỳ

Ung thư tế bào gan là khối u ác tính có nguồn gốc từ tế bào gan. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm nhiễm virút viêm gan B, C (HBV, HCV), chế độ ăn nhiễm aflatoxin B1 và nghiện rượu lâu ngày. Ở nước ta, ung thư gan đứng hàng thứ ba (sau ung thư dạ dày, ung thư phổi). U hay gặp ở nam giới tuổi 50 – 60. Trong các u ác tính, ung thư gan là khối u khó điều trị nhất vì nhiều lý do. Tốt hơn hết nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sớm: theo nếp sống lành, loại bỏ khói thuốc lá, tránh uống rượu quá đà, tập thể dục đều, phòng ngừa viêm gan B bằng vắcxin... Cần chủ động khám sức khoẻ định kỳ để có thể phát hiện sớm bệnh và can thiệp kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét